120 tựa sách của học giả Nguyễn Hiến Lê, trong đó phải kể đến những cái tên đặc biệt như ‘Đắc nhân tâm’, ‘Quẳng gánh lo đi và vui sống’… được ông dịch ra tiếng Việt sẽ lần lượt giới thiệu tới độc giả.
Sự kiện ‘Phục dựng tủ sách Nguyễn Hiến Lê, đi tìm câu trả lời cho câu hỏi Sống thế nào cho đúng?’ diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP HCM sáng 15/8.
Các khách mời tham dự sự kiện sáng 15/8. |
Buổi ra mắt những ấn bản đầu tiên của học giả Nguyễn Hiến Lê tái ngộ bạn đọc là cuộc trao đổi thú vị giữa TS Lê Thẩm Dương, nhà báo – nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà thơ Nguyễn Phong Việt và MC Ngọc Phượng.
Tham dự buổi trò chuyện ra mắt sách của học giả Nguyễn Hiến Lê còn có sự có mặt của ông Nguyễn Quyết Thắng – người đang thay mặt gia đình quản lý bản quyền toàn bộ 120 cuốn sách của học giả quá cố Nguyễn Hiến Lê.
Ông Nguyễn Quyết Thắng chia sẻ: “Học giả Nguyễn Hiến Lê là một người rất tôn trọng vấn đề bản quyền. Trước khi dịch bản ‘Đắc nhân tâm’ và ‘Quẳng gánh lo và vui sống’, ông đều xin phép trực tiếp tác giả. (Dẫn chứng ở trang đầu phiên bản cũ từ những năm 1950 – 1952). Là người gìn giữ gia tài văn hoá của học giả quá cố, tôi vẫn luôn tâm nguyện tìm người đủ tầm và có tâm để phát triển tủ sách Nguyễn Hiến Lê đến độc giả cả nước”.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho rằng: “Đắc Nhân Tâm phù hợp với mọi lứa tuổi, từ học sinh, sinh viên, người đi làm, nhân viên hay sếp… Đặc biệt là các chủ doanh nghiệp đang muốn thu phục nhân tâm, thu hút và quản trị người tài. Vì đó là những bí quyết không chỉ giúp thành công mà còn là một trong những nhận thức hình thành nhân cách con người. Đắc Nhân Tâm của thời đại mới đòi hỏi sự hiện diện của cái Tâm, cái Tầm và cái Tài trong mỗi người chúng ta”.
Là một người trẻ thành đạt cả trên con đường văn chương và doanh nghiệp, nhà thơ Nguyễn Phong Việt nói: “Tôi đã đọc Đắc nhân tâm bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê từ 20 năm trước. Sau đó, tôi đọc vài bản dịch Đắc nhân tâm khác nhưng với bản dịch của cụ Nguyễn Hiến Lê, tôi vẫn rất ấn tượng, cảm nhận sự chân thành, như những lời khuyên nhủ nhẹ nhàng, từ tốn, chậm rãi. Tôi nghĩ bất cứ người đọc nào ở lứa tuổi nào đi chăng nữa, sẽ nhận ra Đắc nhân tâm của cụ Nguyễn Hiến Lê hệt như một người bạn đang ngồi cạnh tâm tình, thủ thỉ, chỉ ra những điều còn thiếu sót, những kỹ năng mà người Việt chúng ta rất kém”.
Còn nhà thơ Lê Minh Quốc nhận định: “Tôi đã đọc Nguyễn Hiến Lê từ thuở bé, có những cuốn mà cho tới tận bây giờ vẫn vẹn nguyên giá trị, như Kim chỉ nam của học sinh. Có những người viết sách nhưng không biết mình viết cho ai, còn cụ Nguyễn Hiến Lê luôn xác định rõ đối tượng đọc của mình là ai. Trong tất cả các tác phẩm của mình, cụ đều hướng con người ta sống thế nào cho đúng đắn. Khí chất tự học của cụ vô cùng mạnh mẽ. Bài học lớn nhất mà cụ Nguyễn Hiến Lê để lại cho cuộc đời này chính là tinh thần tự học”.
Bên cạnh các bản dịch nổi tiếng nhất là ‘Đắc nhân tâm’, ‘Quẳng gánh lo đi và vui sống’, học giả Nguyễn Hiến Lê còn nổi tiếng với các tựa sách khác như: Kim chỉ nam của học sinh, Lời khuyên thanh niên, Thư gửi tuổi đôi mươi, Gương danh nhân, Gương can đảm, Gương kiên nhẫn…. sẽ lần lượt ra mắt độc giả.
H.Bình
Related Posts