Nhìn thế giới mới mẻ hơn
Trong tiếng Anh, chúng ta nói “Good night”, “Sweet dreams”. Tiếng Hebrew cũng nói tương tự như vậy với cách viết là “ליילה טוב”. Trong tiếng Việt, mọi người lại nói “Chúc ngủ ngon”, nếu dịch ra tiếng Anh là “Have a delicious sleep”. Nhắc đến “delicious”, tôi chỉ nghĩa đến món pizza dứa hay món kem dừa yêu thích. Không bao giờ tôi nghĩ rằng giấc ngủ lại được miêu tả như vậy.
Nếu nhìn ngược lại, sẽ rất kỳ quặc với một người học tiếng Anh được nghe đến câu “This fruit is melting in my mouth” (quả này đang tan trong miệng tôi) khi dịch từng từ một sang tiếng mẹ đẻ.
Vì thế, mỗi một ngôn ngữ mới sẽ giúp khả năng sáng tạo của bạn được linh hoạt hơn khi được tìm cách diễn đạt mọi thứ phù hợp với mỗi ngôn ngữ. Học càng nhiều ngôn ngữ, bạn càng sáng tạo trong việc diễn đạt, mô tả mọi thứ.
Nói những thứ tưởng như không diễn đạt được
Có hàng nghìn từ trong ngôn ngữ khác mà tiếng Anh không có từ tương ứng và ngược lại. Khám phá những từ này giúp bạn mở rộng vốn từ tổng quan và có một cái nhìn mới về mọi thứ trên thế giới.
Bên cạnh đó, bạn có thể gọi tên những thứ trong tiếng Anh bằng ngôn ngữ khác. Chẳng hạn, tôi thích gọi điện thoại di động của mình là “handy” trong tiếng Đức hơn là tiếng mẹ đẻ “mobile phone”.
Thay đổi khiếu hài hước
Khi học ngoại ngữ, bạn sẽ nhận ra rằng phải học lại khiếu hài hước của mình để thích nghi với văn hóa của ngôn ngữ đó. Thỉnh thoảng, những câu chuyện cười trong tiếng Anh không có tính gây hài trong tiếng Pháp hay Nhật nhưng vẫn khiến những người bạn Việt Nam của tôi bật cười. Một số người bạn không đến từ Việt Nam đề nghị tôi dịch một câu chuyện cười tiếng Việt sang tiếng Anh cho họ nghe nhưng chẳng ai thấy hài hước cả. Chính sự khác biệt này khiến tôi buộc phải tìm ra khiếu hài hước không chỉ bằng tư duy tiếng Anh mà còn bằng ngôn ngữ khác và diễn đạt luân chuyển giữa chúng.
Cải thiện ngôn ngữ hình thể
Khi không chắc chắn phải dùng từ gì, ngôn ngữ hình thể sẽ giúp bạn thể hiện điều đó. Hoặc khi bạn biết từ cần dùng nhưng lại phát âm sai, cử chỉ bằng tay sẽ giúp bạn khiến người đối diện vẫn hiểu. Đối với tôi, đây là một ngôn ngữ thứ hai và còn giúp việc học ngoại ngữ của mình hiệu quả hơn.
Bạn cũng không nên xấu hổ khi cố gắng truyền đạt những từ khó, vì đấy là cơ hội cho khả năng biểu cảm, cử chỉ, hành động của bạn được cải thiện, sáng tạo. Từ “call” (gọi điện) rất dễ để minh họa nhưng “responsibility” (trách nhiệm) mới là một thử thách.
Ứng khẩu giỏi hơn
Bạn sẽ dần học cách suy nghĩ bằng ngôn ngữ mới thay vì dịch từng từ bởi không có thời gian. Hơn nữa, bạn được học cách diễn giải một từ mà bạn không biết gọi tên như thế nào. Chẳng hạn “a bird that swims” (một loài chim biết bơi) thay cho “duck” (con vịt) hoặc “penguin” (chim cánh cụt). Điều này không dễ nhưng là cách bắt não bộ của bạn phải hoạt động, dần làm quen với việc này.
Cải thiện trí nhớ
Khi học một ngôn ngữ mới, bạn phải tìm hiểu nhiều thứ như từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, thành ngữ… Để làm tốt những việc này, người học cần có chiến thuật ghi nhớ của mình, chẳng hạn như thẻ ghi nhớ (flash card), xem phim, phương pháp gợi nhớ… Dù bạn dùng chiến thuật gì đi nữa, khả năng sáng tạo của bạn sẽ được rèn luyện.
Cảm thấy thoải mái hơn với thất bại
Học một ngoại ngữ, bạn buộc phải học cách chấp nhận thất bại khi cố học thuộc, sử dụng chính xác một cụm từ. Thất bại càng nhiều khiến bạn bình tĩnh, kiên định hơn để tiếp tục làm việc và sáng tạo.
Khám phá một ngoại ngữ có thể khiến bạn thấy vui, nếu bạn muốn vậy và còn giúp phát huy sức sáng tạo. Vì vậy, nếu vẫn còn đang phân vân việc có nên học ngôn ngữ mới không, hãy thử một lần. Mọi thứ sẽ tốt hơn so với những gì bạn tưởng tượng.
Related Posts