Posted on

Ngữ pháp tiếng Nhật có khó không? Chắc hẳn có rất nhiều bạn học tiếng Nhật, đặc biệt là những bạn học lên đến Trung cấp trả lời ngay tắp lự rằng: KHÓ, RẤT KHÓ.

Là một giảng viên dạy tiếng Nhật, cô không phủ nhận điều này. Càng lên cao càng thấy ngữ pháp tiếng Nhật thật rối rắm, khó chịu. Và khó chịu hơn nữa là một số mẫu câu cứ tương tự nhau, làm người học vô cùng lúng túng không biết làm sao để phân biệt nên không tự tin để dùng. Ngữ pháp ở cấp độ cao cũng không có nhiều bối cảnh để ứng dụng, chủ yếu dùng để đọc hiểu hoặc giao dịch bằng văn bản.

Tại sao ngữ pháp tiếng Nhật lại khó với nhiều người?

Bản thân cô đã nhiều năm dạy Ngữ pháp, ở nhiều môi trường Đại học khác nhau. Cô nhận thấy rất ít học sinh thích môn này. Đa số đều lắc đầu ngao ngán là sao mà khó nuốt quá, mãi chẳng hiểu nên chẳng nhớ nổi. Gần đây, cô dạy các bạn ở lớp luyện thi N2, N3 và nhận thấy rằng:

1. Các bạn đã học không vững ngữ pháp ngay từ bậc thấp

Từ những điểm ngữ pháp đơn giản, các bạn cũng đã không hiểu rõ ý nghĩa và cách dùng mà chỉ hiểu sơ sơ. Vì vậy, ngày càng chất chồng nhiều điểm ngữ pháp hiểu lơ tơ mơ, mà thường khi không hiểu rõ thì em luôn thấy nó na ná nhau.

Ngữ pháp tiếng Nhật khó vì các bạn không hiểu rõ ý nghĩa và cách dùng
Ngữ pháp tiếng Nhật khó vì các bạn không hiểu rõ ý nghĩa và cách dùng

2. Không so sánh, đối chiếu với tiếng Việt trong quá trình học

Thông thường, bạn nào giỏi tiếng Việt thì sẽ học ngoại ngữ tốt, bởi vì bản thân bạn ấy hiểu rõ, sử dụng thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ nên khi tiếp xúc với một ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ thì lập tức bạn ấy sẽ tự so sánh, đối chiếu để thấy sự khác biệt và cũng từ đó, cảm nhận được sự thú vị từ sự khác biệt, thay vì thấy bực bội như nhiều bạn khác.

Gần đây, đáng buồn là các bạn trẻ ngày càng không giỏi tiếng Việt. Các bạn không yêu tiếng Việt nên cũng không sàng lọc khi dùng tiếng Việt. Vốn tiếng Việt của các bạn nghèo nàn, câu thì toàn là câu cụt, câu què, diễn đạt thì thiếu trước hụt sau khiến người đọc không hiểu bạn muốn nói gì.

Chưa kể, còn có rất nhiều cách viết vắn tắt, biến chữ này thành chữ kia rất phản cảm. Toàn là kiểu: “Hi cô, ok cô” nửa nạc nửa mỡ mà cô phải gặp hằng ngày (nói thật với các bạn là nhiều lúc cô giật bắn người khi có một bạn nhảy vào pm cho cô: “2”, chững lại một lúc cô mới hiểu bạn muốn nói gì). Những bạn như thế này làm sao cảm nhận được sự khác biệt trong cách tư duy ngôn ngữ và cách diễn đạt của người Nhật và người Việt.

Cô đã từng được “thưởng thức” văn phong của rất nhiều bạn nên cô dám nói như vậy. Chỉ là một đoạn viết về lý do du học của mình thôi mà các bạn viết không xong. Mất mấy ngày để tra cứu, bắt chước mấy bài trên mạng, rồi gán ghép một cách vô tội vạ vào trong bài của mình. Nội dung thì sáo rỗng (vì có phải thực sự là từ suy nghĩ của các bạn đâu) và rất khác với cách người Nhật yêu cầu mình viết. Họ cần nghe lý do, động lực và mục tiêu rõ ràng của từng bạn du học sinh, chứ không phải nghe những câu đại loại như: “Nước Nhật là một cường quốc. Tôi muốn được học tập ở đó để về xây dựng quê hương”. Viết thì không sai, nhưng thật trừu tượng, mơ hồ. Hôm nào cô sẽ trích một đoạn của các bạn học sinh Việt Nam tự viết và một đoạn gợi ý do một thầy ở trường Nhật viết để các bạn thấy sự khác biệt.

Nói lòng vòng như thế này cũng chỉ để nhấn mạnh rằng nếu không chú ý rèn luyện tiếng Việt thì em rất khó giỏi một ngoại ngữ khác. Bản thân cô rất thích học ngữ pháp tiếng Nhật, vì cô cảm nhận được từng cái tinh tế trong sự khác biệt với tiếng Việt và cả những tinh tế rất riêng của tiếng Nhật.

Làm sao để tiếng Nhật không còn khó nữa?

Phân tích sâu các ví dụ đi kèm

Khi học một cấu trúc mới, cô luôn cố gắng phân tích sâu các ví dụ đi kèm vì hiểu một cấu trúc thông qua nhiều bối cảnh cụ thể vẫn luôn dễ hiểu hơn là chỉ nghe sơ qua về ý nghĩa và cách dùng của cấu trúc đó. Sau khi phân tích kỹ các câu ví dụ, cô sẽ tìm một vài câu cô tâm đắc nhất để ghi nhớ 100% (không phải là nhớ mang máng theo kiểu đã từng gặp ở đâu đó, mà là nhớ đúng 100%). Cứ thế, ngày qua ngày góp gió thành bão, để đến lúc chỉ cần đọc qua là bộ nhớ tự ghi vào luôn. Cô chẳng phải thần thánh gì mà có thể nhớ được nhanh và nhiều tiếng Nhật, chỉ vì một điều đơn giản là khi mình có nhiều vốn từ vựng và câu thì mình sẽ dễ dàng nhớ hơn (kiểu như bà con dòng họ thì dễ nhận dạng nhau).

Chịu khó nghiên cứu sâu các mẫu câu, ví dụ để tiếng Nhật không còn khó nữa
Chịu khó nghiên cứu sâu các mẫu câu, ví dụ để tiếng Nhật không còn khó nữa

Khi cô dạy các lớp luyện thi năng lực tiếng Nhật, cô hay đảm trách phần Ngữ pháp và cảm nhận phần lớn các bạn đều thấy ngạc nhiên và thú vị khi nghe cô phân tích các mẫu câu các bạn đã học qua nhưng chưa hiểu rõ. Các bạn chăm chú ghi chép, nhưng không biết sau đó các bạn có nhớ được câu nào không. Nếu làm như cách cô bày ở trên, cô cam đoan rằng em sẽ ngày càng thấy ngữ pháp tiếng Nhật dễ ưa, thậm chí thiệt là dễ thương  Mà ngữ pháp vững thì em sẽ đọc hiểu, nghe hiểu dễ dàng hơn. Nghe hiểu dễ dàng thì bắt chước lại cũng dễ hơn, nên giao tiếp cũng thuận lợi hơn. Tiện cả mấy đường, phải không nào?

Tìm cách “nhập vào đầu”

Người Việt Nam chúng ta vẫn quen học ngoại ngữ theo kiểu nặng về ngữ pháp nhưng cách học một chiều, thầy nói trò ghi chép tích cực từ trên bảng không còn thích hợp nữa. Mà bản thân người học phải chịu mày mò, phân tích, so sánh GIỐNG-KHÁC và khâu cuối cùng là phải tìm cách NHẬP VÀO ĐẦU, không thì mãi mãi vẫn chỉ là NGƯỜI DƯNG.

Đầu ngày của ngày thứ 2 trong tuần, cô mong rằng bài viết này sẽ hữu ích phần nào cho các bạn đang học tiếng Nhật hay còn đang thắc mắc “Tiếng Nhật có khó không”. Cô trò ta sẽ trao đổi thêm tại đây nhé! Cô hay thắc mắc với các bạn trong lớp là sao tiếng Nhật hay vậy mà chỉ có “mình ên” (các bạn người Trung và người Bắc có biết từ này không nhỉ?) cô thích, các bạn không thích như cô. Là bởi vì các bạn chưa hiểu rõ nên mới không thích, chứ hiểu rồi, dùng được rồi, bảo đảm MÊ TƠI.

Các bạn mới bắt đầu làm quen với tiếng Nhật, hãy bắt đầu với sách học chữ Kanji, tiếp theo đó là những cuốn sách tự học tiếng Nhật, cuối cùng mới bắt đầu tìm đến những cuốn sách học ngữ pháp tiếng Nhật để bắt đầu nghiên cứu và tìm hiểu.

Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi “Ngữ pháp tiếng Nhật có khó không” và tìm được cách chinh phục thứ ngôn ngữ “dễ thương” nhưng “khó tính” này nhé!

Ngoài ra, các bạn cần tư vấn về sách học tiếng Nhật, vui lòng inbox cho Mcbooks để được hỗ trợ và nhận ưu đãi giảm giá lên tới 28%.

Mcbooks tự hào là nhà xuất bản sách học tiếng Nhật hàng đầu tại Việt Nam.

Mcbooks.vn

/* Remnove chat fb */
001-messenger