Posted on

Cách tự học Listening tại nhà để tự tin đạt 7.0 IELTS Listening. Bài viết này sẽ giúp giải đáp các thắc mắc của bạn bằng cách giúp các bạn hiểu hơn về quá trình nghe, những vấn đề các bạn gặp phải, hướng giải quyết qua 2 phương pháp viết chính tả và Shadowing. Nếu các bạn tập viết đã lâu mà không đạt được kết quả như mong muốn thì lại càng nên đọc, vì có thể bạn đang làm chưa đúng cách.

Điều quan trọng là tất cả những thông tin này mình viết đều dựa trên nghiên cứu và trích dẫn cụ thể nhằm mục tiêu tạo niềm tin hơn cho mọi người về cách học hiệu quả. Bạn nào lười đọc thì có thể vào hẳn mục 3 là mục áp dụng luôn, nhưng mình khuyến khích các bạn đọc nguyên bài, vì khi hiểu cơ chế hoạt động cũng như hiểu rõ vấn đề mình gặp phải thì sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm phương pháp phù hợp.

I. Quá trình “nghe” diễn ra như thế nào và những vấn đề khi nghe?

Đầu tiên, chúng ta hãy tìm hiểu một chút về quá trình nghe tiếng Anh cũng như những vấn đề thông thường mà người học tiếng Anh hay gặp trong khi nghe. Vấn đề sẽ không chỉ có một mà bao gồm rất nhiều, và tuỳ vào level của bạn mà bạn sẽ gặp những vấn đề khác nhau. Chỉ khi bạn là người nghe hiểu rõ vấn đề của mình là gì thì từ đó mới có thể tìm ra giải pháp thích hợp.

Khi nghe, tiếng Anh như một chuỗi âm thanh liên tục và tuyến tính mà đôi tai của người nghe không tìm thấy sự phân chia ý rõ ràng.

Cách luyện nghe tiếng Anh tại nhà để tự tin pass mọi kỳ thi
Cách luyện nghe tiếng Anh tại nhà để tự tin pass mọi kỳ thi

Một người nghe bình thường sẽ đi qua 3 quá trình khi nghe:

Quá trình 1: Người nghe nghe được âm thanh

Quá trình 2: Đây là quá trình nhận dạng âm

Người nghe giải mã âm thanh, để làm được điều này thì người nghe cần có khả năng nhận ra âm thanh và nhận ra ngay tức khắc, sau đó lưu trữ trong trí nhớ ngắn hạn.

Quá trình 3: Hiểu – Phân tích nghĩa của âm thanh

Quá trình này gồm nhận biết cấu trúc ngữ pháp, ở đâu là chủ ngữ, động từ, vị ngữ và nghĩa của nguyên câu là gì.

3 quá trình này xảy ra đồng thời và cực kì nhanh chóng.

Ví dụ nôm na thế này. Câu “She’s a very generous and beautiful lady”.

Quá trình 1, những ai có thính giác bình thường đều có thể nghe được.

Quá trình số 2 là bạn có nghe ra đúng âm cho các từ có nghĩa hay không. Vấn đề nghe có thể xảy ra ở đây: Khó nghe ra từ khi xảy ra trường hợp nối âm hoặc giảm âm. Ví dụ các bạn có thể sẽ không nghe ra cụm “she’s a” vì có nối âm giữa âm “s” và “a” hay nghe không ra chữ “and” vì nó bị giảm âm. Ngoài ra, đối với từ “generous”, nếu các bạn chưa gặp từ vựng này bao giờ thì cũng sẽ gây ra khó khăn trong quá trình giải mã âm thanh.

Quá trình thứ 3, khi các bạn đã gặp khó khăn cho quá trình số 2 rồi thì qt số 3 cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, đối với các câu dài các bạn có thể nghe ra âm và từ nhưng vẫn không hiểu rõ ý nghĩa của câu, thì vấn đề có thể là bạn chưa hiểu được cấu trúc ngữ pháp và vai trò của từ hoặc cụm từ trong câu. Và cuối cùng, nếu các bạn chưa có khả năng nghe được khoảng cách giữa những cụm ngắn và không nhạy về cách ngắt ý trong câu, các bạn cũng sẽ gặp vấn đề.

Từ ví dụ trên chúng ta có thể thấy rằng việc nghe không tốt có liên quan đến rất nhiều yếu tố phụ thuộc vào trình độ của người học. Đối với người level thấp thì việc nhận dạng âm, ngữ điệu của câu thông thường và từ vựng là vấn đề chính. Vậy nên việc học và quen với ngữ điệu và phát âm là vô cùng quan trọng.

Đối với người trình độ cao hơn 1 xíu thì vấn đề có thể nằm ở quá trình số 3, là đôi khi nghe ra từ nhưng vẫn chưa giải mã được ý nghĩa của câu, hoặc có thể nghe ra nhưng lại không được lưu trữ trong trí nhớ ngắn hạn hiệu quả, nên cuối cùng là quên mất mình đã nghe ra cái gì.

2 phương pháp mình sẽ giới thiệu cho các bạn hôm nay đó là phương pháp chép chính tả và Shadowing. Cách dùng như thế nào và liều lượng, làm thế nào để kết hợp chúng cho hiệu quả cũng như cách tạo động lực cho bản thân khi nghe.

II – Phương pháp nghe hiệu quả

Nếu bạn đã nghe về 2 phương pháp này rồi nhưng áp dụng không hiệu quả hay dễ nản lòng thì có thể bạn đã áp dụng sai cách, mình khuyên là các bạn vẫn cứ tiếp tục đọc.

1. Phương pháp chép chính tả:

Đề mình kể các bạn nghe, hồi mình mới qua Mỹ năm 17 tuổi, tiếng Anh của mình vô cùng tệ và tệ đến năm đầu và năm 2 đại học.

Hồi đó mình nhớ lớp học mà gây nhiều khó khăn cho mình nhất là lớp về chính trị Mỹ và lịch sử Mỹ. Thầy của mình là dân Texas chính hiệu nữa accent của thầy thực sự khó hiểu với mình. Mỗi ngày đi học, lên lớp thực sự nghe bài giảng cứ như vịt nghe sấm ý.

Lúc đó Youtube mới ra nên cũng chưa có nhiều nội dung để luyện nghe về những chủ đề trên lớp, chủ yếu là mình có thể đọc sách hoặc Google để tìm thêm thông tin, nhưng đọc thì kĩ năng nghe làm sao mà lên.

Mỗi ngày đi học mình đều cố gắng ghi chép nhưng thường là giấy chỉ viết được vài 3 dòng vì nghe không ra thầy nói gì, thêm vào đó thì mình mang máy thu âm lên lớp để thu lại bài giảng.

Về nhà khi ôn bài thì mình đọc sách trước nội dung của bài hôm đó cho quen với từ vựng mới và chủ đề, sau đó mới bật thu âm lên để chép chính tả. Sau một học kì thì mình thấy trình của mình lên đáng kể.

Giờ suy nghĩ lại phương pháp mà mình áp dụng đó là chép chính tả. Trong phần này của bài viết mình muốn nói rõ hơn về phương pháp này, nó thích hợp với ai và trong những trường hợp nào nó sẽ không hiệu quả. Quan trọng hơn, làm thế nào để áp dụng nó và không gây chán nản trong quá trình học.

Chép chính tả là gì? Đầu tiên nó bao gồm quá trình số 2 là giải mã âm thanh ra từ, sau đó viết ra từ đã nghe được. Chép chính tả được dùng trong dạy học tiếng Anh cũng như để kiểm tra trình độ tròn các bài test như PTE hay IELTS.

Giáo viên có thể dùng phương pháp này trong các lớp luyện nghe bằng cách mở audio 3 – 4 lần, để học sinh nghe và điển vào chỗ trống hoặc có thể nghe và viết nguyên 1 câu dài. Khi tự học thì việc nghe đi nghe lại là rất quan trọng vì nó sẽ giúp não làm quen với âm tốt hơn.

Với chép chính tả, bạn không nhất thiết phải nghe được nguyên câu mà có thể tăng độ khó dần dần bằng cách điền 1 từ, nhiều từ vào chỗ trống, sau đó thì tiến đến nguyên câu.

Hiệu quả của việc chép chính tả: Nghiên cứu về phương pháp chép chính tả không đồng nhất về kết quả, một số cho rằng nó không giúp người học tăng kĩ năng nghe về lâu dài nhưng một số lại chỉ ra sự tiến bộ cua rngừoi học.

Sự khác biệt này cũng có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, mình tin nếu kết hợp nó với phương pháp thứ 2 là Shadowing được giải thích bên dưới thì phần trăm tiến bộ là cao hơn. Một số bài nghiên cứu mình đọc được trích dẫn phía dưới (1,2) thì phương pháp này đem lại hiệu quả nhanh chóng cho cả người mới bắt đầu và người ở trình độ trung cấp.

Đặc biệt là những bạn có khả năng đọc hiểu nhưng nghe không tốt thì phương pháp đặc biệt hữu dụng.  Trong một bài nghiên cứu về phương pháp này cho học viên Nhật Bản (3), những người này có kĩ năng đọc và viết ổn nhưng nghe không tốt.

Sau 8 tuần áp dụng phương pháp này, mỗi tuần 30 phút thì kĩ năng các bạn cũng tăng lên đáng kể, và đặc biệt khi phỏng vấn các bạn về hiệu quả của phương pháp này thì các bạn nói rằng nó giúp nghe được các âm bị giảm hay nối, cũng như thấm hơn về ngữ điệu.

Ngoài ra, các bạn cũng thấy dễ dàng hơn trong việc nghe ra ý của câu cho dù trong câu có những từ các bạn không biết. Phương pháp này ngoài giúp bạn giải mã âm thanh mà thông qua đó còn có thể học từ vựng và các cấu trúc ngữ pháp trong văn nói nữa qua việc viết ra thông tin.

Đối với người mới bắt đầu, thì phương pháp này nên được kết hợp với việc học từ vựng trước hay tạo ngữ cảnh cho chủ đề thì sẽ hiệu quả hơn, vì nếu các bạn không biết từ và hoàn toàn mù mờ về cách phát âm của từ thì việc chép chính tả xem như vô nghĩa.

Áp dụng như thế nào? Để đạt được hiệu quả tối ưu, bạn nên kết hợp nó với kĩ năng Shadowing nữa. Mình sẽ nói cách áp dụng thực tế 2 phương pháp này ở cuối bài.

2. Phương pháp Shadowing

Shadowing ban đầu là một phương pháp dùng để huấn luyện người phiên dịch và sau này được sử dụng để hoàn thiện kĩ năng nghe. Người học dùng Shadowing để kiểm soát âm thanh họ nghe và đọc to rõ những âm đó TRONG KHI nghe. Các bạn lưu ý là trong khi nghe chứ không phải sau khi nghe nhé. Đây là một hoạt động vô cùng chủ động và đòi hỏi sự tập trung rất cao. Bạn chỉ cần 1 đoạn audio/phim và kèm theo là script và phụ đề, sau đó đọc cùng lúc với các nhân vật thôi.

Nếu viết chính tả giúp bạn giải mã âm thanh và chuyển nó qua dạng viết thì Shadowing lại giúp bạn nhận thức rõ hơn những gì bạn nghe và chuyển hoá nó thành âm.

Tất cả các nghiên cứu về phương pháp này đều tìm được tiếng nói chung rằng nó đem lại hiệu quả rõ ràng. Các bạn có thể đọc thêm link 4,5 nếu tò mò. Trong phần kết luận nghiên cứu (3), tác giả cho rằng việc nhận dạng ngôn ngữ và âm là chưa đủ mà cần phải kết hợp nó những thành phần khác như học từ vựng hay nghĩa của câu, đoạn.

Tóm lại Shadowing có thể được kết hợp với các kĩ năng khác như đọc, viết, từ vựng để tăng kĩ năng ngôn ngữ nói chung.

Tổng hợp áp dụng 2 phương pháp trên:

III – Cách áp dụng

Mình khuyến khích nêú được các bạn nên dùng phim ngắn thay vì audio, vì phim có ngữ cảnh và hình ảnh sẽ giúp hoàn thiện quá trình 3 comprehension tốt hơn.

Cách 1

– Chọn một đoạn audio/ phim, đọc sơ và hightlight một số từ mình không hiểu và học. Đọc sơ chứ không đọc kĩ nhé, vì mục đích là mình muốn não là tờ giấy trắng trướ khi nghe để tập trung tốt hơn. Điều này là vô cung quan trọng với người mới bắt đầu học tiếng Anh.

– Chép chính tả: Nghe 1 đoạn ngắn tầm 100-120 từ, lặp đi lặp lại audio trong vòng 30 phút rồi chép chính tả, từ nào không nghe ra có thể để ?.

– Sau 30’ thì có thể check lại lỗi sai. Lưu ý khi check lại thì nên nghe kĩ audio khúc đó để hiểu rõ vì sao mình nghe chưa ra chỗ đã đánh dấu ?. Có phải vì âm bị giảm hay nối lại mà mình nghe không ra hay vì lí do gì?

Shadowing: Bật audio lên và Shadowing ít nhất 5 lần. Các bạn lưu ý số 5 vì đây là con số được khuyến khích bởi các nhà nghiên cứu.

Đối với những bạn luyện thi IELTS thì cứ dùng các đoạn ở trong sách luyện thi nhưng điều quan trọng hơn hết là luyện kĩ và chất lượng hơn số lượng nhé.

Cách 2:

Dành cho người lười như mình và không hào hứng gì với chép chính tả.

– Chọn phim ngắn. Mua một cái microphone, quan trọng vô cùng vì mục tiêu là mình muốn nghe rõ âm và giúp não làm quen qua viêc tiếp xúc âm.

– Coi tầm 100-120 từ có phụ đề. Take note những từ không hiểu và tra từ điển.

– Nghe lần 2, không phụ đề. Chép chính tả lại đoạn phim đã nghe. Những chỗ không nghe được đánh dấu?

– Check lại những chỗ không nghe được và tìm hiểu nguyên nhân tại sao, đa phần là do nối hoặc giảm âm.

Shadowing 5 lần đoạn phim đã nghe.

– Ôn lại từ vựng, cấu trúc ngữ pháp.

IV – Những lỗi luyện nghe thông thường:

Có số lượng mà không có chất lượng. Các bạn chỉ nghe và khi phát hiện lỗi sai cũng không hiểu tại sao.

Nghe thụ động: khi các bạn nghe khi lái xe hay tiếng TV mở trong văn phòng hay phòng khách mà các bạn thì không chú tâm gì hết. Nghe một cách vô cùng bị động và không một chút tương tác.

V – Lên kế hoạch và học nhóm:

Khi luyện nghe, điều quan trọng nhất là tạo nên được động lực. Các bạn nên lên kế hoạch cho ngày, tuần, tháng và tốt nhất nên có một cuốn nhật kí để ghi lại tiến trình.

Học nhóm cũng rất tốt vì các bạn có thể trao đổi thêm với nhau về những khó khăn và bàn thêm về giải pháp để cùng nhau tiến bộ.

Chúc các bạn đạt điểm cao trong bài thi IELTS Listening và tự tin vượt qua mọi kỳ thi khác với phương pháp tự học Listening tại nhà mà mình đã chia sẻ ở trên.

/* Remnove chat fb */
001-messenger