Làm sao để nhớ từ vựng tiếng Anh là một phần vô cùng quan trọng trong việc học một ngôn ngữ mới, nhưng việc đó dường như lại khá khó để đạt được.
A. Wilkins đã từng nói rằng ““Without grammar, very little can be conveyed; without vocabulary, nothing can be conveyed.” (Không có ngữ pháp, rất ít thông tin có thể được truyền đạt; Không có từ vựng, không một thông tin nào có thể được truyền đạt cả). Vậy nên, khi bạn giao tiếp bằng ngôn ngữ nào bạn cũng phải biết ngữ pháp, từ vựng. Nếu như tiếng Việt bạn đang nói hàng ngày như một sự vô thức thì tiếng Anh đối với người bản ngữ cũng vậy. Làm sao để chúng ta có thể giao tiếp tiếng anh lưu loát như cách chúng ta đang giao tiếp bằng tiếng Việt được.
Câu trả lời chính là tìm cách nhớ từ vựng, nhớ ngữ pháp. Nhưng không phải là ghi nhớ máy móc đâu nhé, mà bạn học từ vựng theo cụm từ, theo đoạn văn; bạn học ngữ pháp theo các cấu trúc câu, trong nhiều ngữ cảnh khác nhau.
Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến bạn đọc Những cách nhớ từ vựng nhanh nhất, hiệu quả nhất. Từ vựng có thể xem như các tế bào nhỏ hình thành nên khả năng sử dụng ngoại ngữ của người học, vậy nên chúng ta đừng bỏ qua nó.
3 nguyên tắc giúp bạn học từ vựng tiếng anh hiệu quả
Theo nhà nghiên cứu tâm lý học người Đức Ebbinghous thì trí não con người sau khi tiếp nhận thông tin sẽ bắt đầu quá trình quên lãng. Quá trình quên lãng này bắt đầu từ phút thứ 10 trở đi sau khi học, sau 20 phút não người chỉ nhớ 58% lượng thông tin vừa học, sau 1 tiếng nhớ 44%, 9 tiếng nhớ 36%, sau 1 ngày nhớ 33%, sau 2 ngày nhớ 28% và cuối cùng sau 1 tháng chỉ nhớ khoảng 20% nên việc kiên trì học và ôn lại từ vựng hàng ngày theo chu kỳ nhất định là một điều hết sức quan trọng trong việc học từ vựng cũng như các môn học cần khả năng ghi nhớ dữ kiện. Vì vậy phương pháp học là rất quan trọng đối với những môn học cần khả năng ghi nhớ dữ kiện.
Dưới đây là 3 nguyên tắc giúp bạn hình thành khả năng nhớ từ vựng:
Nguyên tắc 1: Xác lập mục tiêu bản thân
Dù bạn có làm gì đi nữa thì cũng cần có mục tiêu rõ ràng, có một mục tiêu bạn sẽ dần hình thành thành cho mình lối đi đến đó. Học từ vựng tiếng anh cũng vậy, bạn phải xác định rõ: Mình sẽ học được bao nhiêu từ tiếng anh trong thời gian là bao lâu. Một vài gợi ý về mục tiêu mà tôi đã từng phỏng vấn như sau:
Một số bạn, mục tiêu đơn giản là xem phim, nghe nhạc do thần tượng của mình diễn xuất. Họ cần ngôn ngữ đó để hiểu thần tượng mình đang làm gì và nói những gì.
Hay một số bạn khác là biết được các từ hay gặp trong các kì thi chứng chỉ tiếng Anh như TOEFL, IELTS, TOEIC, SAT, GRE, …
Lại có các bạn khác, đặt biệt là các bạn mới đi du học, có mục tiêu là biết đủ từ tiếng Anh để có thể tiếp thu bài giảng tiếng Anh của thầy cô giáo một cách dễ dàng….
Nguyên tắc 2: Hãy đọc thật nhiều, đọc vô thức cũng được và cũng nghe thật nhiều.
Muốn nghe để hiểu, nhưng muốn hiểu phải biết từ vựng. Nghe nhiều bạn sẽ nhớ được ngữ âm của từ đó, dần dần hình thành sự quen thuộc trong bộ nhớ của bạn. Đọc/Viết/Nghe/Nói về những đề tài mà bạn thích sẽ kích thích sự mong muốn của bạn, bởi bạn chỉ nhớ lâu những gì chính bạn thấy thích.
Nguyên tắc 3: Hãy mã hóa những từ vựng bạn nhớ
Sau khi bạn đã đọc nhiều, nghe nhiều và gặp nhiều từ mới, bạn sẽ cần học cách nhớ từ tiếng Anh một cách hiệu quả. Cách bình thường mà nhiều bạn vẫn dùng là ghi vào vở rồi ôn lại. Cách này là cách duy nhất khi máy tính chưa ra đời. Tuy nhiên, đi cùng với đó là bạn cần phải tự thực hành, bằng cách đặt những từ vựng trong bối cảnh giao tiếp, đó mới là cách thông minh để bạn nhớ lâu từ đó.
Một cách học thú vị khác là học từ có hình ảnh đi kèm. Bạn có thể tìm thấy nhiều trang học từ có hình ảnh rất thú vị trên mạng ở trang tài liệu tiếng Anh.
Những cách nhớ từ vựng nhanh nhất, hiệu quả nhất
Dưới đây là một vài cách nhớ từ vựng hữu ích được rất nhiều bạn học chia sẻ lại với chúng tôi, bạn có thể tham khảo để tìm ra được giải pháp phù hợp với mình.
1. Học từ vựng trong lĩnh vực mà bạn yêu thích.
Rất nhiều người lựa chọn học từ vựng từ những chủ đề họ yêu thích. Bởi não bộ con người sẽ nhớ những từ bạn thích thú, muốn nhớ để dùng ngay hơn nhanh hơn nhiều những từ bạn bị bắt buộc phải nhớ.
Đây là một điều theo tôi là cực kỳ quan trọng để bạn có thể duy trì việc học từ vựng tiếng Anh được lâu dài (và tôi đã nói với bạn chưa rằng nếu bạn muốn thật thật giỏi thì nó gần như đồng nghĩa với học học mãi?).
Nếu bạn thích âm nhạc, học từ mới ở các bài hát, ở các bài viết liên quan đến âm nhạc; đọc các bài viết về các nhạc sĩ, vân vân. Bạn là một người thích các môn tự nhiên; đọc các bài viết về vật lý, về toán học, về các hành tinh,… Nếu bạn là người gắn bó với gia đình, hãy nâng cao từ vựng về chủ đề gia đình bằng cách đọc những mẩu chuyện vui, sử dụng chúng trong các tình huống thường ngày. Điều mấu chốt ở đây là bạn học mà như…không học! Học mà vui, học mà thấy thích, học mà say mê, học mà như chơi! Nếu tôi chỉ có thể viết một câu cho bài này, đây chính là câu tôi sẽ viết.
Điều này rất quan trọng, và bạn cần phải học tiếng Anh hay bất kì tiếng gì trong bối cảnh đọc hay nghe hay tìm hiểu về cái bạn thích. Có thể là bạn cần biết gấp một số từ để đi thi, để đạt mục tiêu trước mắt này kia, nhưng nếu bạn thật sự nghiêm túc, bạn sẽ thấy là không có con đường tắt. Có đường tắt, nhưng không có đường tắt dẫn đến thành công bền vững.
2. Hãy đọc nhiều và bạn sẽ nhớ chúng thật lâu
Sau khi có một mục tiêu cụ thể, bạn sẽ tự động có động lực để học . Và để gặp được nhiều từ mới, không gì là bằng cách đọc thật nhiều. Lý do đơn giản là khi bạn đọc bạn sẽ gặp nhiều từ mới bạn chưa biết, và bạn sẽ…học! Và nếu nói về bài tiếng Anh để đọc thì có rất nhiều ở các trang tin tức như CNN, BBC và hàng triệu trang khác. Bạn chỉ đơn giản gõ một từ tiếng Anh vào google.com thì bạn sẽ thấy rất nhiều bài hay để đọc.
3. Sử dụng video
Khuyên bạn nên xem những bộ phim yêu thích của mình và thử lắng nghe thật sâu, thật chú tâm vào từng lời nói của diễn viên, và thử nhại theo họ. Nhìn vào hình ảnh và âm thanh từ video, đảm bảo bạn sẽ có hứng thú học tập hơn rất nhiều.
4. Dịch những bài báo, tạp chí tiếng Anh
Sau khi đọc một tờ báo hoàn toàn bằng tiếng anh bạn có hoàn toàn hiểu được hết nghĩa của nó. Điều đó thật dễ dàng khi bạn là người nắm vững được kha khá từ vựng trong bài báo đó. Để ghi nhớ từ vựng lâu, bạn cần ghi chú lại những từ vựng mà bạn không biết, sau đó tìm kiếm đáp án cho nó. Tiếp tục giải quyết bài toán đó cho đến khi bạn cảm thấy mình đã hài lòng và thỏa mãn với những câu chữ trong tờ báo đó nhé.
5.Luyện tập từ mới khi viết luận
Theo tôi nghĩ, đây là cái cách không nhiều người sử dụng. Nhưng nếu bạn thử cách này trong thời gian mình học tập, tôi tin sẽ có hiệu quả. Nếu như bạn có bài tập viết về nhà hãy lấy ra các từ mới mà mình đã học sau đó cố gắng sử dụng chúng vào bài viết của mình. Nếu không sử dụng các từ mới học lúc nói hoặc viết bạn sẽ nhanh chóng quên chúng đấy.
Bật mí quy tắc tự rèn luyện bản thân khi áp dụng những cách nhớ từ vựng
Dưới đây là chia sẻ của cá nhân mình khi thực hành ghi nhớ từ vựng trong vòng 6 tháng:
Trước khi áp dụng các phương pháp dưới đây, bạn cần quyết tâm thực hiện kế hoạch học từ này theo các quy tắc sau :
+ Học đều đặn mỗi ngày ít nhất 5 từ và nhiều nhất 15 từ. Trường hợp ngày nào cần phải học một lượng từ lớn theo bài vở ở lớp, bạn vẫn học bên cạnh 15 từ quy định hàng ngày.
+ Không bỏ một ngày nào, trường hợp ngày không có thời gian cũng dành 10 phút cho 5 từ mới và 10 phút xem lại ôn lại các từ đã học của ngày xa nhất. Ví dụ bạn bắt đầu chiến lược học từ vào ngày 1 tháng 11 năm 2018 thì ngày 15 tháng 11 bạn nên xem lại từ đã học ở ngày 1 tháng 11.
Sau đây là các phương pháp bạn có thể chọn để thực hiện chiến lược chinh phục từ vựng tiếng Anh :
-
Phương pháp 5 bước 7 lần nhớ từ
+ Bước 1: Đọc to với phát âm chuẩn từ mà bạn cần học : Khi chuẩn bị học một từ mới nào đó, bạn nên mở từ điển điện tử như kim từ điển hay từ điển Lạc Việt hoặc cũng có thể chọn từ theo đoạn hội thoại của người bản xứ để nghe và lặp lại chính xác cách phát âm, sau đó đọc to nhiều lần cách phát âm của các từ mà trong danh sách học một ngày của bạn.
+ Bước 2: dùng các mẹo như liên tưởng từ có âm gần giống (homophonic method), phân giải từng bộ phận của từ, dùng từng ký tự của từ để ký hiệu hóa từ đang học thành một câu tiếng Việt nhằm nhớ cả spelling(cách đánh vần). Ví dụ : run thì liên tưởng đến chữ run trong tiếng Việt, hoặc cách phân giải từ cho các từ như chalkboard (bảng viết bằng phấn) = chalk (phấn) + board (bảng).v.v…
+ Bước 3 : Hồi tưởng hai chiều Việt <–> Anh. Nghĩa là đọc từ tiếng Anh nghĩ trong đầu nghĩa tiếng Việt, sau đó đọc từ tiếng Việt nghĩ trong đầu nghĩa tiếng Anh.
+ Bước 4 : Chuỗi (series) tức thông qua liên tưởng một chuỗi ngữ cảnh có từ đang học để nhớ từ.
+ Bước 5 : Đặt câu, tức là dùng từ đang học viết thành câu.
+ Cuối cùng là 7 lần ôn lại từ :
Lần 1/ Nhìn lại danh sách từ của ngày đó sau 20 phút tính từ lúc học xong.
Lần 2/ sau 1 tiếng.
Lần 3/ Sau 2 tiếng.
Lần 4/ Sau 1 ngày.
Lần 5/ Sau 1 tuần.
Lần 6/ Sau 1 tháng.
Lần 7/ Sau 3 tháng.
Nghĩa là khi lập danh sách từ cho từng ngày, bạn nhớ đánh dấu số thứ tự danh sách rồi sau khi học xong bạn ghi giờ nào và ngày nào ôn lại danh sách nào.
-
Phương pháp tỉ mỉ hóa từ vựng
Phương pháp này dựa theo thuyết tỉ mỉ hóa thông tin trong quá trình xử lý thông tin của não bộ đã được nêu trong bộ môn tâm lý giáo dục. Bao gồm các mẹo như sau :
– Thị giác hóa từ vựng : nghĩa là bạn gắn cho từ đang học một hình ảnh nào đó. Nếu từ đó là danh từ chỉ sự vật thì đương nhiên là dễ, nếu từ là động từ, hoặc tính từ thì đòi hỏi sự sáng tạo của chính bạn. Ví dụ : obesity (béo phì) thì chữ ob đầu nhìn như người bụng bự, béo ú.v.v…
– Hoặc bạn cũng có thể chia từ thành hai phần và liên kết nghĩa để giải thích tỉ mỉ từ đó. Ví dụ : lineage (huyết thống) = line (đường vạch) + age (thế hệ, tuổi tác) = huyết thống là đường nối các thế hệ trong gia đình .v.v…
– Sử dụng mindmap (sơ đồ ý) để vẽ sơ đồ các từ có nghĩa liên quan.
-
Phương pháp học theo đặc tính ngôn ngữ
– Sử dụng các tiếp vĩ ngữ hoặc tiếp đầu ngữ để học từ phái sinh. Ví dụ : co- : cùng nhau, hợp sức –> coworker (đồng nghiệp), collaborate (cộng tác)…
– Học từ và liên tưởng đến từ đồng nghĩa cũng như trái nghĩa của từ đó (nếu có)
Chúc các bạn áp dụng được phương pháp trên vào việc học từ mới của mình!
Related Posts