Posted on

Cách học tiếng Hàn tại nhà đơn giản nhất với cuốn giáo trình Tiếng Hàn Tổng Hợp sẽ giúp các bạn đạt được Topik 3 – 4 sau khi học xong bộ sách.

Trong bài viết này, Mcbooks sẽ giới thiệu đến các bạn cách học tiếng Hàn tại nhà đơn giản nhất với cuốn giáo trình Tiếng Hàn Tổng Hợp này. Cùng theo dõi và học tập nhé các bạn!

1. Không bỏ sót bất kì từ mới nào

Mình không biết là những câu trả lời mang hàm ý rằng chỉ học Tiếng Hàn Tổng Hợp tại nhà mà không học tại trung tâm thì không thể đạt TOPIK 3 hay 4 có là thật không, hay doạ thế thôi, nhưng nếu bạn chỉ học, thậm chí thuộc làu làu các từ vựng người ta nêu ra ở đầu bài, thì đúng là không đủ được.

Bộ sách Tiếng Hàn tổng hợp phiên bản mới
Bộ sách Tiếng Hàn tổng hợp phiên bản mới

Để có thể đạt được TOPIK 6 của ngày hôm nay, không thể không kể đến sự hiện diện của những trang sách bôi kín những màu sắc và viết kín vào từng khe hở. Dù là sang quyển 4 mình đã thông minh hơn – tức đã bớt phải highlight hơn, cũng như là biết dùng giấy note dán lên cho đỡ nham nhở rồi.

Cá nhân mình không quá thích những cụm kiểu “từ vựng Topik”, vì mình nghĩ rằng từ nào cũng sẽ có khả năng xuất hiện mà. Cho nên mình đã học hết các từ vựng mình gặp, kể cả trong quyển Tiếng Hàn Tổng Hợp lẫn cả các đề đã công khai sau này, cùng lắm thì trừ lại mấy cái từ về nguyên liệu nấu ăn các thứ trong bài 요리 của quyển 3 thôi.

(+) Về cách học thuộc từ vựng, có những từ mình sẽ đem đi đặt câu, những từ khác thì mình chép chính tả 3 – 5 dòng, tuỳ vào từ đó dài hay ngắn.

(+) Nếu như có một từ bạn gặp đến lần thứ 2 mà không nhớ, thì cũng không nên hoảng, sau này va chạm vào các từ đó nhiều hơn thì sẽ nhớ (và nhớ rất dai) thôi. Mình đã từng vật lộn với từ 발전하다 4 lần trước khi thực sự không phải tra từ điển nữa, và giờ từ này là từ vựng mình sử dụng nhiều nhất nhì trong 쓰기.

2. Đừng chỉ học 3 – 4 ngữ pháp chính trong bài

Những ngữ pháp sách nêu rõ trong từng bài thì quan trọng đấy, nhưng chưa đủ. Các ngữ pháp khác, nhất là những ngữ pháp xuất hiện trong phần bài đọc, cũng đều cần thiết không kém, và thậm chí rất nhiều trong số đó còn là ngữ pháp theo đến tận trình độ cao cấp.

Cần học tiếng Hàn một cách linh hoạt chứ không chỉ ghi ra vở và nhớ
Cần học tiếng Hàn một cách linh hoạt chứ không chỉ ghi ra vở và nhớ

Có rất nhiều ngữ pháp mình học thêm được từ trong phần bài đọc của Tiếng Hàn Tổng Hợp 3 và 4, và (rất may rằng) đó toàn là những ngữ pháp mình gặp cũng như là sử dụng rất nhiều trong quá trình học, ôn và làm bài TOPIK sau này, có thể kể tới như (으)므로 – vì… nên…, một số danh từ + 적이다 (tính…) hoặc 적으로 (một cách… – phó từ), 에 관한 (giống 에 대한),…

Các bước mình học ngữ pháp tại nhà trong giáo trình Tiếng Hàn Tổng Hợp có thể chia thành các bước như sau:

+ Bước 1:

Bắt gặp ngữ pháp trong khi đọc bài, đánh dấu vào nhưng chưa tra ý nghĩa vội. Thử xem xét xem nếu ngữ pháp đấy nối với các từ ngữ đằng sau, vế đằng sau, câu đằng sau thì có thể mang ý nghĩa gì. Mình gọi bước này là “nghi ngờ”. Vì sao là “nghi ngờ” mà không tra ngay cho nóng, thì mời các bạn đọc tiếp bước 2 nhé.

+ Bước 2:

Sau khi hoàn thành xong bài, tự chấm cho bản thân theo đáp án, kiểm tra đúng – sai, rồi lúc này mới tra từ điển các từ vựng mới và search google ngữ pháp ban nãy. Mình gọi đây là “kiểm chứng”.

Nếu như bạn nghi ngờ sai về ý nghĩa của ngữ pháp đó, cái hiện thực rằng “mình sai rồi” sẽ giúp bạn ghi nhớ tốt hơn, kiểu như sau này gặp lại nó thì bạn sẽ nghĩ rằng “à, lần trước mình sai cái này”. Còn nếu như bạn nghi ngờ đúng, cái cảm giác thành tựu như “đấy mình giỏi ghê” cũng sẽ giúp bạn chính thức nhớ được ngữ pháp, chứ không còn là sự nghi ngờ nữa.

+ Bước 3:

Tìm hiểu các trường hợp sử dụng của ngữ pháp (đi với danh từ, động từ hay tính từ; chia như thế nào; dùng ở quá khứ, hiện tại hay tương lai; được dùng trong văn nói hay viết, lưu ý khi sử dụng…) và note lại.

3. Tự hình thành cho bản thân tư duy về từ vựng Hán – Hàn

Mình luôn có một sự nghi ngờ khó hiểu, rằng sao có nhiều từ trong tiếng Hàn phát âm “na ná” tiếng Việt thế, như kiểu 행동 là hành động, và 구역 là khu vực.

Sự nghi ngờ này được đặt ra ngay từ khi mình tự học quyển 2, mãi sau này lúc join vào các nhóm tiếng Hàn, nghe mọi người nói về gì mà “Hán – Hàn” thì mới ngộ ra rằng hình như mình đã “va chạm” với những từ kiểu này lâu rồi. Thế là từ lúc đó mình hay chú ý vào những từ “nghe na ná tiếng Việt” và những từ đuôi 하다 hơn.

Ngoài ra, mình còn chú ý tới những cái kiểu như “조정 là điều chỉnh, 조각 là điêu khắc, 조화 là điều hòa, 조절 là điều tiết, vậy có khi nào 조 sẽ là mấy từ điêu điều điểu kiểu vậy không nhỉ?”. Và khỏi phải nói rằng mình vui như thế nào khi sau này tự tách nghĩa đúng câu 일석이조 (nhất thạch nhị điểu – 1 hòn đá trúng 2 con chim) mà mình gặp trong quyển THTH 4 đâu.

Tất cả những sự chú ý trên của mình sau này đã va vào Topik 6 vậy đó.

4. Xác định định ngữ

Theo mình, một kĩ năng rất quan trọng trong việc học tiếng Hàn nói chung, chứ không chỉ dừng lại ở việc phục vụ thi TOPIK, đấy là xác định đúng định ngữ. Từ sơ cấp lên trung và cao cấp, có nhiều ngữ pháp (thuộc văn nói hoặc quá cơ bản) mà các bạn sẽ không bao giờ gặp nữa, nhưng rất tiếc rằng định ngữ lại không nằm trong số đó. Định ngữ sẽ theo các bạn tới tận câu cuối cùng của đề thi, ngắn gọn 1 hay 2 từ cũng có mà dài tới cả ba dòng cũng chẳng thiếu.

Trong quá trình mới bắt tay vào luyện đề ngày trước, tất cả những câu đọc cao cấp (tầm câu 40 đổ ra) mình làm sai (thiệt ra không sai nhiều lắm đâu, tầm 5 – 6 câu trong suốt 8 đề thôi) đều chỉ do một nguyên nhân – xác định nhầm định ngữ, vì đôi khi phần định ngữ quá dài, đôi khi họ lại lồng những 3 4 ngữ pháp con con vào trong định ngữ khiến mình ngắt câu sai,… Xác định sai định ngữ sẽ khiến bạn không tìm được chủ và vị ngữ chính trong câu, không ngắt câu được ở đúng chỗ,… Mà với những ngữ pháp kiểu “vì… nên” hay “tuy… nhưng”, ngắt sai chỗ là hiểu sai nghĩa, mà hiểu sai nghĩa là làm bài sai.

Nếu như ngày trước mình không tập xác định định ngữ mỗi lần làm bài đọc thì chắc con số sai này sẽ còn nhiều hơn nữa, mình luôn tin là vậy. Về cách mình làm thì cũng không có gì quá phức tạp.

  • Bước 1: Đọc cả câu văn.
  • Bước 2: Đánh dấu phần bản thân cho rằng là định ngữ.
  • Bước 3: Thử dịch phần định ngữ đó ra.
  • Bước 4: Dịch cả câu có chứa thành phần định ngữ đó. Nếu nghe sai sai hay thiêu thiếu thì chắc là bước 2 bạn làm có vấn đề rồi…

5. Bắt đầu hình thành tư duy về thể văn viết

Hình thành tư duy về thể văn viết bằng cách đơn giản nhất là đánh dấu những ngữ pháp bản thân đã sử dụng trong bài, sử dụng 1 đến 2 từ mới trong khi viết.

Thật ra cái này mình cũng không có gì quá nhiều để nói, vì việc tiếp xúc với thể văn viết của mình (qua quyển Tiếng Hàn Tổng Hợp) đến từ việc mình nhận ra rằng tự dưng người ta đổi hết đuôi các câu trong bài đọc thành dạng 한다, 하다, 했다, rồi 것이다. Từ lúc đó, mình bắt chước theo người ta viết như vậy, ai ngờ đâu cái kiểu viết đó sau này lại theo mình đến tận bài thi.

Còn về đánh dấu các ngữ pháp trong bài, việc này sẽ giúp mình xác định rằng:

  • Mình có đang sử dụng đúng ngữ pháp đó không?
  • Mình có thể sử dụng ngữ pháp đó để liên kết 2 câu với nhau thành một câu ghép không?
  • Sau này mở ra xem lại thì có thể thay các ngữ pháp đó bằng ngữ pháp cao cấp hơn hay khách quan hơn được không?

Về sử dụng 1 đến 2 từ mới trong bài viết, mình tập trung vào những từ thực sự mới mẻ và là từ Hán – Hàn. Điều này sẽ giúp mình ghi nhớ được 1 – 2 từ đó lâu hơn, tại mình đã đưa nó vào một văn cảnh cụ thể rồi.

Trên đây là chi tiết cách học tiếng Hàn Quốc tại nhà đơn giản nhất với cuốn giáo trình Tiếng Hàn Tổng Hợp. Nếu học theo cách này, các bạn hoàn toàn có thể đạt được trình độ Topik 3 – 4 sau khi học hết bộ sách.

Ngoài ra, các bạn cần tư vấn thêm về giáo trình Tiếng Hàn Tổng Hợp hay mua sách với giá ưu đãi lên tới 28%, vui lòng inbox cho Mcbooks ngay để nhận thêm thông tin nhé!

Mcbooks tự hào là nhà xuất bản sách học tiếng Hàn hàng đầu tại Việt Nam.

 

Mcbooks.vn

/* Remnove chat fb */
001-messenger