Chúng tôi đến thăm các em vào một ngày đầu tháng 8 giữa những cơn nắng cuối mùa còn sót lại. Đặt chân đến Phú Xuyên chúng tôi không khỏi bồi hồi. Nơi đây được biết đến với những làng nghề truyền thống nổi tiếng như khảm trai, đồ gỗ, .. nhưng lẫn trong những nét thanh bình nơi những cánh đồng lúa màu xanh trải dài nơi chúng tôi đi qua, phảng phất đâu đó vẫn là cảm giác vội vã, ồn ào và âu lo của những ngôi làng đang chuyển mình giữa ranh giới của truyền thống và hiện đại.
Huyện Phú Xuyên, Hà Nội
Tách biệt khỏi những sôi động ấy, chúng tôi đến với một ngôi nhà nhỏ phía sâu trong lòng giáo sứ Chuôn Thượng, huyện Phú Xuyên. Ngôi nhà khiêm tốn nhưng lại là chốn nương thân cho 18 con người. Những con người đến từ những miền đất khác nhau, ở những độ tuổi khác nhau, hoàn cảnh khác nhau nhưng đều chung nhau ở những số phận bất hạnh, được chăm sóc dưới bàn tay của các sơ mà dẫn dắt chính là sơ Thơm.
Ngôi nhà tình thương tại Chuôn Thượng, Phú Xuyên, Hà Nội – được sơ Thơm lập nên từ năm 2010
Bước vào khoảng sân ngập nắng, hương khói tỏa ra trên gian bếp cũ kĩ và giàn mướp đơn sơ. Đó là lúc gần trưa khi sơ cùng các em đang chuẩn bị bữa cơm với vài món rau đơn giản, trong khi những em khác vẫn đang tất bật làm việc. 4-5 em đang ở độ tuổi đến trường nhưng đều không nhận được sự chăm sóc của gia đình. Em thì bố mẹ đã mất để mình em bơ vơ, em thì bố mẹ không đủ điều kiện nuôi nấng, chăm sóc, em thì từ khi sinh ra đã không hề biết đến hơi ấm của gia đình. Tay chân lấm lem bên cạnh những chiếc máy dập và món đồ thủ công, những chiếc áo sờn cũ và gương mặt sạm đen, nhìn các em trưởng thành hơn so với độ tuổi 15-16 của mình. Được biết, công việc vất vả là thế, nhưng tiền các em thu được cũng chẳng đủ mua rau chứ đừng nói gì đến trang trải cuộc sống hàng ngày.
Các em độ tuổi 15-17 đang phụ giúp làm nghề thủ công trong thời gian rảnh
Đang dở việc cùng các em, thấy chúng tôi đến, Sơ Thơm lật đật đứng dậy ra giếng nước rửa tay. Biết được sáng nay có các anh em trong công ty đến thăm, nên sơ ăn mặc tươm tất hơn thường ngày, ánh mắt long lanh xúc động trên khuôn mặt tràn đầy nhẫn nại và nhân hậu hiếm có. Nhẹ nhàng, Sơ dẫn chúng tôi vào thăm các em khác trong ngôi nhà tình nghĩa mà chính sơ đã nhọc lòng dựng lên và duy trì suốt 6 năm qua.
Đó là một gian buồng chỉ vẻn vẹn chừng vài mét vuông chật chội, nhưng lại là nơi ở của hơn 10 em nhỏ mang trong mình những căn bệnh quái ác như động kinh, đao, tự kỉ, .. Có những em không thể ngồi dậy mà nằm la liệt trên nền nhà, bên cạnh không có gì ngoài một chiếc giường gỗ mục nát và chắp vá cùng duy nhất một chiếc quạt cây cho ngần ấy con người. Dẫu có che đậy cỡ nào cũng không giấu được bức tường ẩm mốc nhợt nhạt, những xấp chăn gối tối giản và loang lổ. Trong không gian ngột ngạt vây quanh, những ánh mắt trẻ con ngơ ngác, chốc chốc vang lên những tiếng cười ngây dại nho nhỏ, rồi chốc lại rơi vào yên lặng trong những tiếng thở dài lay lắt và tiếng quạt tay đều đều, khiến mọi người đều không khỏi xót xa.
Các em bị bệnh nhưng không có giường nằm, phải nằm la liệt trên nền nhà với duy nhất 1 cây quạt điện
Các em bị mắc các căn bệnh động kinh, tự kỉ, …nhiều em không thể tự ngồi
Ngồi cạnh chúng tôi, Sơ Thơm kể cho chúng tôi về từng mảnh đời mà ngôi nhà đang nương tay chăm sóc. Đó là người phụ nữ bị bệnh động kinh không chồng mà vẫn có con, nhưng đứa con lại bị người ta cho đi mất lúc nào không hay, giờ đây cô chỉ ngồi ngơ ngác, có những hôm bỏ đi mất khiến mọi người tìm khắp nơi. Hay đó là những em bé bị gia đình bỏ rơi từ nhỏ, với mong muốn có con chữ đến trường nhưng thậm chí tiền học phí các em vẫn phải đóng mà chưa được nhà trường hỗ trợ. Hay những em không tự kiểm soát, mỗi ngày tự tay các sơ phải chăm sóc, thay tã và bỉm cho các bé, …
Sơ Thơm đang kể lại về hành trình xây dựng ngôi nhà tình nghĩa và những lo lắng cho các em
Điều đáng buồn là mặc dù đã thành lập đã được 6 năm, nhưng ngôi nhà tình nghĩa này vẫn chưa được nhiều người biết đến và chưa nhận được bất kì sự hỗ trợ nào. 18 con người trong một ngôi nhà, 3 tạ gạo trong 1 tháng, chưa kể đến tiền ăn học cho 5 em đang học cấp 3 và đang chuẩn bị thi vào đại học. Tiền thuốc cùng các loại bỉm, tã hàng ngày cho các em bị bệnh. Những khoản chi thì không đếm xuể mà nguồn thu gần như không có từ những người chân yếu tay mềm. Đến bữa ăn đơn sơ hàng ngày cũng được lượn nhặt từ làng nọ sang nhà kia. Những sự giúp đỡ đến các sơ và các em lúc này là cần thiết hơn lúc nào hết.
Số quà và sách vở mà chúng tôi mang đến hôm nay chỉ là một phần rất nhỏ bé…
Chúng tôi rời đi mà trong lòng vẫn trĩu nặng không nguôi. Số sách vở và một phần quà mà chúng tôi mang đến cho các em hôm nay chỉ có thể giúp đỡ các em một phần rất đỗi nhỏ bé. Chúng tôi rời đi, ánh nắng vẫn ngập vàng trên những giàn mướp sắp qua mùa hái quả, ngập vàng trên mái hiên trước nhà và những dây phơi chằng chịt, nhưng cuộc đời của các em sẽ đi về đâu vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ… Và nếu có một giây phút nào đó, khi mà cơn động kinh qua đi, em có ngồi đó trên bậc cửa thềm nhà lặng lẽ. Đôi chân trần, khuôn mặt đượm buồn và ánh mắt đăm chiêu, tôi tự hỏi liệu em có đang nghĩ về có một thứ gọi là “tương lai”? Liệu rằng có một chút tươi sáng nào cho em và biết bao mảnh đời khác trong căn nhà này?
…liệu em có đang nghĩ về có một thứ gọi là “tương lai”?
Nhưng tấm lòng thiện nguyện xin vui lòng liên hệ:
Sơ Thơm: 01687 820328
Sơ Thảo: 0165 420 6943
Hoặc Cô Nhinh: 0982 995872 (để được chỉ đường chi tiết)
Địa chỉ: Khu giáo xứ Chuôn Thượng – Phú Xuyên – Hà Nội (phía sau nhà thờ Chuôn Thượng)
Hoặc vui lòng chuyển những thông tin này đến những nhà hảo tâm. Sự ủng hộ và giúp đỡ nhỏ bé từ phía quý vị đều có giá trị lớn lao đến Sơ và các em.
Related Posts