Văn nghị luận xã hội lớp 7 là phần kiến thức trọng tâm nhất trong chương trình Ngữ Văn lớp 7. Phần kiến thức này chắc chắn sẽ xuất hiện trong bài thi học kì 2 và các bài kiểm tra 1 tiết môn Ngữ Văn.
Để các em có thể làm bài văn nghị luận xã hội tốt hơn, Mcbooks đã tổng hợp lại tất tần tật kiến thức cần nhớ về văn nghị luận xã hội lớp 7 qua bài viết dưới đây.
Mời các em tham khảo!
I. Văn nghị luận xã hội lớp 7 là gì?
Văn nghị luận là loại văn bản thực hiện chức năng thuyết phục người đọc (người nghe) về một vấn đề thông qua hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng được tổ chức chặt chẽ.
Đề tài của văn bản nghị luận rất rộng, bao gồm mọi vấn đề của đời sống như chính trị, xã hội, đạo đức, triết học, nghệ thuật, văn học…..
Căn cứ vào đề tài được đề cập vào nội dung triển khai, có thể chia văn bản nghị luận thành nhiều tiểu loại, trong đó nghị luận văn học và nghị luận xã hội là hai tiểu loại phổ biến, quen thuộc.
Nghị luận xã hội là một trong nhiều dạng của văn bản nghị luận, đề cập các vấn đề xã hội được quan tâm rộng rãi, không đi vào những vấn đề, lĩnh vực quá chuyên sâu, nhằm tạo được sự hồi đáp tích cực, nhanh chóng từ phía người đọc, người nghe.
Đề tài của nghị luận xã hội rất phong phú, thường được xếp thành hai nhóm chính: bàn về một hiện tượng xã hội; bàn về một tư tưởng, đạo lí.
>>> Tham khảo thêm: Thảo luận về vai trò của công nghệ đối với đời sống con người
II. Đặc điểm của văn nghị luận xã hội lớp 7
Văn nghị luận xã hội là bàn về một hiện tượng đang diễn ra trong thực tế đời sống xã hội, mang tính chất thời sự thu hút sự quan tâm của nhiều người (như ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, bạo hành gia đình, bệnh vô cảm…). Đó có thể là hiện tượng tốt hoặc xấu, đáng khen hoặc đáng chê.
Văn bản nghị luận xã hội cũng có những đặc điểm cơ bản sau:
- Luận đề là vấn đề, tư tưởng, quan điểm, quan niệm…. được tập trung bàn luận trong văn bản. Việc chọn luận đề bàn luận luôn cho thấy rõ tầm nhận thức, trải nghiệm, sở trường, thái độ, cách nhìn nhận cuộc sống của người viết. Thông thường, luận đề của văn bản được thể hiện rõ từ nhan đề.
- Luận điểm là một ý kiến khái quát thể hiện tư tưởng, quan điểm, quan niệm của tác giả về luận đề. Nhờ hệ thống luận điểm (gọi đơn giản là hệ thống ý) các khía cạnh cụ thể của luận đề mới được làm nổi bật theo một cách thức nhất định.
- Lí lẽ, bằng chứng: gọi chung là luận cứ.
+ Lí lẽ: là những lời diễn giải, giải thích có lí mà người viết (người nói) đưa ra để khẳng định ý kiến của mình. Những lời nói ấy phải được trình bày rõ ràng, mạch lạc, chặt chẽ nhằm bảo vệ hay bác bỏ một ý kiến nào đó. Khi đưa ra lí lẽ, người viết/ người nói thường giải đáp các câu hỏi mà vấn đề gợi ra.
Ví dụ: “Đồng phục có tạo ra nét đẹp nào không? Có xóa đi cảm giác về khoảng cách giàu – nghèo, sang – hèn giữa các thành viên trong lớp? Có gia tăng tinh thần tập thể ở mỗi học sinh? Có giúp học sinh rèn luyện ý thức kỉ luật?”. Lí lẽ phải có tính khách quan, phổ biến, thuyết phục người đọc/ người nghe bằng lẽ phải, chân lí. Không chấp nhận lí lẽ chủ quan, áp đặt.
+ Bằng chứng: là những ví dụ lấy từ thực tế đời sống hoặc từ các nguồn khác nhau để chứng minh cho lí lẽ. Nếu là nghị luận xã hội, phải dùng bằng chứng lấy từ thực tế đời sống, từ kết quả nghiên cứu khoa học. Nếu là nghị luận văn học thì bằng chứng chủ yếu lấy từ văn học.
Bằng chứng kết hợp với lí lẽ làm cho lập luận có sức thuyết phục. Chẳng hạn: khi toàn trường tập thể dục giữa giờ, đồng phục tạo nên một bức tranh có vẻ đẹp thống nhất với những mảng màu khỏe khoắn; trong những buổi thi đấu sôi nổi giữa các trường, đồng phục của cổ động viên từng trường là “màu cờ sắc áo” tạo nên bản sắc, thể hiện tinh thần tập thể, có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ cho đội thi….
Ngoài ra, văn bản nghị luận xã hội còn có một số phương diện đặc trưng riêng, cụ thể:
- Vấn đề đời sống cần bàn luận cần phải là một vấn đề quan trọng, thiết yếu đối với cá nhân cũng như cộng đồng. Vấn đề phải mang tính chất phổ biến, khái quát cao.
- Lí lẽ cần phải đảm bảo các yêu cầu sau: thuộc chân lí được thừa nhận rộng rãi; lí lẽ phải gần gũi với những quy luật chung của đời sống.
- Bằng chứng phải đảm bảo các yêu cầu: con người, sự kiện, sự việc có thực trong cuộc đời; bằng chứng từ sách báo hoặc các nguồn thông tin khác thì những tài liệu đó phải cập nhật, đáng tin cậy bởi phản ánh đúng thực tế đời sống. Không dùng bằng chứng trong những văn bản văn học hư cấu.
- Ngôn ngữ: có thể dùng yếu tố tự sự (câu chuyện), dùng yếu tố biểu cảm hoặc thông tin, nhằm tăng độ hấp dẫn và sức thuyết phục cho văn bản.
III. Mối liên hệ giữa các ý kiến, lí lẽ, bằng chứng trong văn bản nghị luận xã hội
Ý kiến: mới mẻ, sâu sắc, toàn diện, giúp người đọc có thái độ đúng trước vấn đề bàn luận.
Lí lẽ: nhằm diễn giải ý kiến của người viết một cách tường minh. Nghĩa là phải chỉ rõ bản chất của vấn đề là gì, nó có ý nghĩa thế nào đối với đời sống.
Bằng chứng: người, sự việc, sự kiện… trong cuộc sống đảm bảo sự tin cậy, thuyết phục của lí lẽ, ý kiến và nhằm tác động sâu sắc đến người đọc được.
Tóm lại: Trước vấn đề xã hội cần bàn luận người viết cần đưa ra ý kiến cá nhân của mình. Ý kiến ấy vừa phải mang tính mới, vừa sâu sắc, toàn diện.
Để làm rõ ý kiến cần phải có hệ thống các lí lẽ diễn giải một cách tường minh, rõ ràng bản chất của vấn đề, ý nghĩa của vấn đề. Đảm bảo độ tin cậy cho lí lẽ và ý kiến cần có hệ thống các bằng chứng tiêu biểu từ thực tế cuộc sống. Hệ thống bằng chứng này còn giúp tác động sâu sắc đến người đọc.
Giữa ý kiến, lí lẽ, bằng chứng có mối quan hệ mật thiết, tương hỗ với nhau nhằm giúp cho văn bản nghị luận có sức thuyết phục cao.
Kiến thức về văn nghị luận xã hội lớp 7 được trình bày rất chi tiết và dễ hiểu trong cuốn Làm chủ kiến thức Ngữ Văn lớp 7 bằng sơ đồ tư duy – Tập 2.
Link đọc thử sách: https://drive.google.com/file/d/1Hx8QMXVh5uX2vHviulu31y6kUeI9MC9P/view
Để học tốt tiếng kiến thức lớp 7, bạn cũng nên tham khảo thêm các cuốn sách lớp 7 khác của Mcbooks về các môn Toán, Tiếng Anh nữa nhé!
Mcbooks tự hào là nhà xuất bản sách tham khảo cho học sinh lớp 7 hàng đầu tại Việt Nam.
Related Posts