‘Một bài nghe tiếng Anh thường sẽ gây nhiều khó khăn, nhưng nếu học theo cách lồng ghép từ vựng như cách của người Do Thái thì sẽ thú vị và dễ chịu hơn nhiều’, thầy Nguyễn Anh Đức, tác giả sách “Luyện siêu trí nhớ từ vựng tiếng Anh” chia sẻ.
Người Do Thái từ hàng nghìn năm trước đã học ngoại ngữ bằng âm thanh và học thẳng cụm từ hoặc từ vựng ở trong bối cảnh. Và sự thật là họ học ngoại ngữ rất nhanh, ghi nhớ được nhiều từ vựng, mọi từ vựng học xong là dùng được ngay trong giao tiếp. Một người Do Thái nói được vài ngoại ngữ là điều bình thường. Cách học của họ khá đơn giản và thú vị: họ lồng ghép cụm từ của tiếng Do Thái và ngoại ngữ mà họ cần học.
Trong cuốn sách Trí tuệ Do Thái (Jerome becomes genius) của Eran Katz, một tác giả người Do Thái đã lập kỷ lục Guiness về khả năng ghi nhớ một dãy số có 500 chữ số sau khi nghe chỉ một lần, ông đã mô tả người Do Thái học ngôn ngữ mới như sau: “Nhờ một phương pháp độc đáo mà những người Do Thái khắp nơi trên thế giới đã sử dụng: ở mỗi cộng đồng, người ta đều phát minh ra một ngôn ngữ mới là sự kết hợp giữa tiếng Do Thái thiêng liêng và tiếng địa phương nơi đó. Họ hòa trộn tiếng địa phương với những từ tiếng Do Thái để giữ ngọn lửa của tiếng Do Thái rực cháy mãi”.
Và từ đó, người ta thấy xuất hiện những hiện tượng ngôn ngữ thú vị như: tiếng Ba Tư Do Thái, tiếng Do Thái Tây Ban Nha, và cả tiếng Đức Do Thái mà ngày nay còn gọi là tiếng Yiddish, một thứ tiếng có hai phần ba là tiếng Đức và một phần ba còn lại là tiếng Do Thái…
Bạn có thể xem một ví dụ đơn giản là khi người Tây Ban Nha gốc Do Thái muốn dạy con mình tiếng Do Thái (tiếng Do Thái lúc này là ngoại ngữ ở Tây Ban Nha), họ sẽ phối trộn một vài từ tiếng Do Thái vào tiếng Tây Ban Nha như sau: “Kada uno es sadik en sus ojos” – câu này có nghĩa là: “mỗi người đều có quyền là một sadik” trong đó từ sadik là từ tiếng Do Thái, có nghĩa là người ngay thẳng.
Rồi họ nâng dần mật độ sử dụng tiếng Do Thái trong câu đó lên nhiều hơn. Bằng cách trộn ngôn ngữ đó, đứa trẻ Do Thái có thể học rất nhanh, tự nhiên và thú vị như một trò chơi giàu thách thức đối với trí nhớ. Thực ra trong tiếng Việt ta cũng giao tiếp với nhau nhiều bằng cách trộn ngôn ngữ như vậy. Ví dụ như ai đó nói: “con bé đó là hot-girl đấy”.
Rõ ràng chữ hot-girl là từ tiếng Anh được trộn vào câu tiếng Việt, và dần dần ta hiểu rồi chấp nhận từ hot-girl trong cuộc sống của chúng ta mà không bao giờ bận lòng phải dịch nó sang tiếng Việt. Chỉ có điều, chúng ta vay mượn vài từ và lồng ghép vào lời nói hàng ngày, nhưng chúng ta không xây dựng thành một tài liệu có tính hệ thống. Giả sử chúng ta phải nghe một bài tiếng Anh có nội dung như sau:
“This is the voice mail of Brian James at Smartcom Training Center. I will be out of the office all week at a teachers’ conference. If it is an emergency, please call my teaching assistant Ms. Clarke at extension 71. Ms. Clarke will take care of all of my daily work until I’m back in the office this weekend. If you need my personal responses before the end of the week, feel free to send me an email at brianjames@smartcom.vn. I’ll reply to you as soon as possible”.
Một bài nghe như thế này thường sẽ gây nhiều khó khăn cho các bạn, nhưng nếu bạn học theo cách lồng ghép từ vựng như cách của người Do Thái thì chắc sẽ thú vị và dễ chịu hơn nhiều. Hãy tham khảo đoạn sau:
“This is hộp thư thoại of Brian James at Smartcom Training Center. I will không có ở văn phòng all week at một hội nghị giáo viên. If it is một tình huống khẩn cấp, please call trợ lý giáo vụ của tôi Ms. Clarke theo số máy lẻ 71. Ms. Clarke will phụ trách all of công việc hàng ngày của tôi until I’m trở lại văn phòng this weekend. If you need my các câu trả lời cá nhân before the end of the week, đừng ngại gửi cho tôi an email at brianjames@smartcom.vn. I’ll trả lời cho you sớm nhất có thể. Thank you”.
Bạn hãy nói to các cụm từ tiếng Việt mà bạn nhìn thấy đó thành các cụm từ tiếng Anh từ bản nghe gốc, và cố gắng vận dụng trí nhớ của mình để tập nói to nhiều lần. Khi tôi ứng dụng kỹ thuật này đối với các lớp học mà tôi dạy thì trong vòng không quá 10 phút tất cả mọi người đều thuộc toàn bộ 13 cụm từ có nghĩa tiếng Việt như trên.
Sau một buổi học 90 phút với nhiều bài thực hành tương tự, mọi học viên đều nhớ được trên 50 cụm từ. Điều thú vị nhất là một tuần sau gặp lại, họ vẫn nhớ các cụm từ đó và vận dụng chính xác ngay vào trong bối cảnh giao tiếp thực. Bạn hãy thử trí nhớ của mình với bài tập trên và tham khảo đáp án dưới đây, chỉ 10 phút sau bạn sẽ thuộc rất sâu 13 cụm từ đó.
– Hộp thư thoại – the voice mail- Không có ở văn phòng – be out of the office
– Hội nghị (họp) giáo viên – a teachers’ conference – Một tình huống khẩn cấp – an emergency – Trợ lý giáo vụ của tôi – my teaching assistant – Theo số máy lẻ – at extension – Phụ trách – take care of |
– Các công việc hàng ngày của tôi – my daily works- Trở lại văn phòng – back in the office
– Các câu trả lời cá nhân – personal responses – Đừng ngại gửi tôi – feel free to send me – Trả lời cho – reply to – Sớm nhất có thể – as soon as possible |
Lưu ý rằng phương pháp này chỉ phù hợp với những người có trình độ tiếng Anh từ sơ cấp (elementary) đến trung cấp (intermediate).
Related Posts