Các từ loại trong tiếng Việt là kiến thức quan trọng các bạn học sinh lớp 8 cần ghi nhớ trong chương trình Ngữ Văn.
Trong bài viết này, Mcbooks sẽ giới thiệu đến các bạn kiến thức chi tiết về ba loại từ (từ loại) trong tiếng Việt, đó là Trợ từ; Tình thái từ và Thán từ. Các bạn hãy cùng lưu lại và học tập nhé!
1. Trợ từ
+ Khái niệm
– Trợ từ là những từ chuyên đi kèm các từ ngữ khác để nhấn mạnh hoặc để biểu thị thái độ đánh giá sự vật, sự việc được nói đến ở những từ ngữ đó.
Ví dụ:
Chính thầy hiệu trưởng đã tặng tôi cuốn sách này.
Ngay cả tôi cũng không biết nó định làm gì.
– Trợ từ không có khả năng làm thành một câu độc lập.
– Trợ từ không có nghĩa cụ thể mà chỉ có ý nghĩa nhấn mạnh hoặc biểu thị thái độ cho từ nó đi kèm.
+ Lưu ý
Cần phân biệt những từ đồng âm với trợ từ nhưng không phải trợ từ.
Ví dụ:
(1) Nó ăn những hai bát cơm. (“những” là trợ từ)
(2) Những điều nó nói không phải là sự thật. (“những” là lượng từ).
Trong trường hợp này, cần xem xét: nếu từ đó biểu thị thái độ nhấn mạnh với từ nó đi kèm thì là trợ từ; nếu từ đó biểu thị về số lượng hay hoạt động, tính chất thì không phải trợ từ.
2. Thán từ
+ Khái niệm
– Thán từ là những từ dùng để bộc lộ thái độ, tình cảm hoặc để gọi đáp.
+ Chức năng ngữ pháp
– Thán từ thường đứng ở đầu câu tạo thành thành phần biệt lập cảm thán với chức năng bộc lộ tình cảm, thái độ hoặc gọi – đáp.
Nhiều trường hợp, thán từ được tách ra tạo thành một câu đặc biệt.
Ví dụ:
(1) Hỡi ơi lão Hạc! (thành phần biệt lập tình thái)
(2) Trời ơi! Chỉ còn năm phút! (Câu đặc biệt)
(3) Vâng, ông dậy phải ạ. (thành phần gọi đáp)
3. Tình thái từ
+ Khái niệm
Tình thái từ là những từ được thêm vào câu để cấu tạo nên câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán và biểu thị sắc thái tình cảm của người nói.
+ Phân loại tình thái từ
– Tình thái từ nghi vấn: à, ư, hủ, hả, chăng, …
Ví dụ: Anh không đến lớp à?
– Tình thái từ cầu khiến: đi, nào, với…
Ví dụ: Chúng ta cùng cố gắng nào!
– Tình thái từ cảm thán: thay, sao,…
Ví dụ: Thương thay số phận của những con người cùng khổ!
– Tình thái từ biểu thị sắc thái tình cảm: ạ, nhé, cơ, mà,…
Ví dụ: Cô có thể giải cho em bài tập này không a?
+ Lưu ý
– Khi sử dụng tình thái từ, người nói cần căn cứ vào hoàn cảnh, đối tượng giao tiếp để sử dụng tình thái từ cho phù hợp đảm bảo tính lịch sự, có văn hóa.
– Trong tiếng Việt, cần chú ý các từ đồng âm với tình thái từ nhưng không phải tình thái từ.
Ví dụ:
– Chúng ta đi nào! (Từ “nào” là tình thái từ).
– Hôm nào anh đến chỗ tôi nhé! (Từ “nào” trong trường hợp này không phải tình thái từ).
Kiến thức về từ loại trong chương trình Ngữ Văn lớp 8 được biên soạn rất đầy đủ và chi tiết trong cuốn sách Làm chủ kiến thức Ngữ Văn lớp 8.
Các bạn cần tư vấn thêm về bộ sách này vui lòng inbox cho Mcbooks ngay và nhận ưu đãi giảm giá lên tới 28% nhé!
Mcbooks tự hào là nhà xuất bản sách tham khảo cho học sinh hàng đầu tại Việt Nam.
Related Posts