Posted on

Đọc hiểu là phần thi khá dễ kiếm điểm trong các bài thi trình độ N1, N2, N3 của kỳ thi JLPT. Nắm được bí quyết làm bài thi đọc hiểu, các bạn sẽ dễ dàng đạt được điểm cao trong phần thi này và tới gần với chứng chỉ tiếng Nhật mà bạn mong muốn.

I. Cách làm bài

Hai kiểu làm bài đọc hiểu thường thấy của các thí sinh tham dự kì thi JLPT.

Kiểu 1:

Không đọc hết cả bài mà đọc câu hỏi rồi tìm ý trên đoạn văn để trả lời.

Ưu điểm:

  • Có thể tìm ra đáp án nhanh hơn.
  • Khá phù hợp với các bạn chưa có nhiều thời gian ôn luyện vì thời gian làm bài đọc hạn chế.

Nhược điểm:

  • Chọn đúng đáp án nhưng không hiểu hết nội dung của văn bản. (Dù rằng đích đến cuối cùng của kì thi chỉ là trả lời đúng câu hỏi).
  • Dễ bị lừa, bẫy, đặc biệt đề thi hiện tại ngày càng ra theo hướng khó dùng mẹo để tìm đáp án.
  • Nên áp dụng cách làm bài này trong trường hợp còn ít thời gian, với những bài đọc khi đọc qua cảm thấy nội dung khó hiểu, xuất hiện nhiều từ mới.
Bí quyết làm bài thi phần đọc hiểu trình độ N1

Kiểu 2:

Đọc lướt toàn bộ văn bản trước, sau đó đọc câu hỏi để trả lời sau.

Ưu điểm:

  • Hiểu được ý chính của toàn văn bản (Nếu thí sinh đã được trang bị kĩ năng đọc hiểu cơ bản)
  • Khó mắc các bẫy khi đọc hiểu hơn kiểu đọc 1.

Nhược điểm:

  • Mất nhiều thời gian hơn. Vì phải đọc văn bản, đọc câu hỏi sau đó lại trở lại văn bản để dò tìm đáp án.
  • Đôi khi đọc quá kĩ nên dễ suy nghĩ sâu xa lệch khỏi nội dung bài, thành ra dễ đưa suy nghĩ bản thân vào bài.
  • Nên áp dụng cách làm này trong giai đoạn đầu của phần thi, với những bài đọc khi đọc qua cảm thấy dễ hiểu, đọc có hứng thú và nắm được phần lớn nội dung.

Rất khó để nói kiểu đọc nào tốt hơn, vì mỗi kiểu có một ưu điểm và nhược điểm riêng, có thể phù hợp với người này mà không phù hợp với người kia. Cách tốt nhất bạn nên thử cả hai kiểu, sau đó đo hiệu quả (đo bằng số câu trả lời đúng trong một khoảng thời gian như nhau) của từng kiểu đọc để vận dụng cho hợp lí.

>> >Tham khảo thêm: Thi JLPT tại Nhật – 5 tips cực kỳ quan trọng cần lưu ý

                                    Cách phân bổ thời gian làm bài thi JLPT N1, N2, N3 phần đọc hiểu

                                    Kỳ thi JLPT N3 – Yêu cầu, cấu trúc bài thi và cách tính điểm

II. Mondai 10

1. Đặc điểm chung

Có 5 đoạn văn, tương ứng với 5 câu hỏi:

Với 2 câu hỏi về email, thông báo (có năm chỉ ra 1 câu dạng này) hãy chú ý nội dung sau:

  • Thông thường phần quan trọng của bài đọc sẽ ở giữa phần sau câu chào hỏi đầu và trước câu chào cuối. Quan trọng nhất là phần nội dung phía sau các từ さて, つきましては…
  • Các ngữ pháp こととなる,こととする(ことにする), お願いしたい, お願いします(致します), お(ご)Vいただければ幸いです(助かります), Vていただけませんか(Vていただけないでしょうか), Vてください… thể hiện mong muốn của bản thân hay kêu gọi đối phương hành động, nên thường nội dung muốn truyền tải nhất của văn bản liên quan đến các phần này, đáp án cũng thường nằm ở phần này đặc biệt với câu hỏi về mục đích, điều muốn nói nhất của văn bản.
  • Phần thông tin bổ sung thường có từ また, 尚(なお)…cần chú ý, tuy nhiên thường không phải vấn đề chính của bài đọc.

Với 3 câu còn lại (cũng chính là các câu hỏi trong phần bài đọc trung, bài đọc dài) có thể dưới rất nhiều dạng câu hỏi như sau, mỗi dạng có một cách làm riêng nên hãy chú ý!

Bí quyết làm bài thi phần đọc hiểu trình độ N2

2. Các dạng câu hỏi

a – Câu hỏi về ý nghĩa một từ, một câu xuất hiện trong văn bản (thường có phần gạch chân)

Ví dụ:

「 」とはどういうことか。

「 」とはどのようなものか。

「 」に最も近いものはどれか。

「 」は何を指しているか。

  • Bước 1: Đọc sơ toàn bộ văn bản, nắm ý chính và các keyword, đoán chủ đề bài viết.
  • Bước 2: Đọc câu hỏi, tìm đáp án từ văn bản

+ Xem thật kĩ câu, từ được hỏi (thường có phần gạch chân) và nắm chắc nội dung.

+ Xem câu trước và câu sau, trong đó đặc biệt là câu phía trước.

+ Tìm các cách diễn đạt khác của phần được gạch chân.

  • Bước 3: So sánh các phương án lựa chọn để chọn ra câu trả lời chính xác.

b – Câu hỏi về nội dung tổng thể của văn bản (thường là điều tác giả muốn truyền tải nhất)

Ví dụ:

この文章で筆者が述べていることは何か。

この文章の内容と合っているものはどれか。

筆者の考えと合っているものはどれか。

この文章で筆者が最も言いたいことは何か。

  • Bước 1: Đọc sơ toàn bộ văn bản, nắm ý chính và các keyword, đoán chủ đề bài viết.
  • Bước 2: Đọc câu hỏi, tìm đáp án từ văn bản
  • Bước 3: So sánh các phương án lựa chọn để chọn ra câu trả lời chính xác.

Các lưu ý để nâng cao kĩ năng làm bài nội dung tổng thể của văn bản

Biểu hiện thể hiện quan điểm tác giả (主張表現)

Khi đọc văn bản, hãy nhìn thật nhanh phần kết thúc câu và tìm thật kĩ các biểu hiện 主張表現 – các biểu hiện thể hiện quan điểm, suy nghĩ của tác giả. Có thể gạch chân những biểu hiện này để dễ đọc lại khi cần. Câu chứa 主張表現 nhiều khả năng sẽ chứa nội dung của đáp án đúng. Dưới đây là các biểu hiện thường gặp:

  • Các biểu hiện thể hiện sự phán đoán, đánh giá:「~でしょう。」「~だろう。」「~かもしれない」「はずだ。」「~のです。」「~ではないか」「~のではないか」「~のではないだろうか」「~と思う」「~と考える」「~と言える」…
  • Các biểu hiện thể hiện điều cần làm, điều không nên làm: 「~べきだ」「~べきではない」「~たほうがいい」「~なければならない」…
  • Các biểu hiện thể hiện thứ quan trọng, cần thiết: 「~には…ことだ」「~には…が必要だ」「~が大事だ」「~が重要だ」…

Từ đồng nghĩa và cách nói tương đương (言い換え)

Với văn bản đọc hiểu N2, phần nội dung bài đọc và nội dung các câu trả lời của câu hỏi thường được viết “khác đi” bằng cách sử dụng các từ đồng nghĩa, các cách nói mang tính tương đương. Đây được gọi là biện pháp 言い換え. Nếu biện pháp này được sử dụng trong câu trả lời thì khả năng câu đó là đáp án đúng rất cao (Tất nhiên còn phải kiểm tra xem các thông tin khác có trùng khớp không nữa).

Liên từ, biểu hiện kết nối (接続表現)

Các biểu hiện kết nối rất quan trọng trong văn bản. Vì vậy khi đọc hãy đánh dấu bằng cách khoanh hoặc gạch chân những biểu hiện này. Trong số nhiều biểu hiện kết nối, có thể nói quan trọng nhất gồm 3 nhóm sau:

  • Nhóm biểu hiện quan hệ đối nghịch: しかし、ところが、それなのに…Thường nhấn mạnh phần đi sau của biểu hiện kết nối hơn về trước. Đáp án nhiều khi sẽ nằm ở phần sau các biểu hiện này.
  • Nhóm biểu hiện quan hệ nguyên nhân – kết quả: そのために、そこで、それで、だから… Câu sau là kết quả của câu trước.
  • Nhóm biểu hiện cách diễn đạt khác: つまり、要するに…Câu sau là cách giải thích khác, tóm lược lại nội dung cho câu trước.

c – Câu hỏi về ý kiến của tác giả về một sự vật, sự việc được trình bày trong văn bản

Ví dụ:

筆者は「 」をどのようにとらえているか。

筆者は「 」どのように説明しているか。

筆者によると、「 」には何が必要か。

  • Bước 1: Đọc sơ toàn bộ văn bản, nắm ý chính và các keyword, đoán chủ đề bài viết.
  • Bước 2: Đọc câu hỏi, tìm đáp án từ văn bản.

+ Xem thật kĩ câu, từ được hỏi (thường có phần gạch chân) và nắm chắc nội dung.

+ Xem câu trước và câu sau, trong đó đặc biệt là câu phía trước.

+ Tìm các cách diễn đạt khác của phần được gạch chân.

  • Bước 3: So sánh các phương án lựa chọn để chọn ra câu trả lời chính xác.

d – Câu hỏi hỏi về nguyên nhân, lí do

Ví dụ:

「 」とあるが、なぜか。

「 」について、その理由(原因)は何か。

  • Bước 1: Đọc sơ toàn bộ văn bản, nắm ý chính và các keyword, đoán chủ đề bài viết.
  • Bước 2: Đọc câu hỏi, tìm đáp án từ văn bản.

+ Xem thật kĩ câu, từ được hỏi (thường có phần gạch chân) và nắm chắc nội dung.

+ Tìm các biểu hiểu diễn tả quan hệ nguyên nhân, lí do – kết quả trong câu được gạch chân hoặc từ các câu trước sau.

+ Tìm các biểu hiện ẩn dụ, các cách diễn đạt khác liên quan đến câu hỏi nếu xung quanh đó không có biểu hiện diễn tả quan hệ nguyên nhân, lí do – kết quả.

  • Bước 3: So sánh các phương án lựa chọn để chọn ra câu trả lời chính xác.

Các biểu hiện diễn tả quan hệ nguyên nhân, lí do – kết quả thường gặp trong bài đọc

Ngữ pháp diễn tả quan hệ nguyên nhân, lí do – kết quả

「~から」「~ので」「~て・~くて・~で」「~ため」「~によって・~により」「~のことで」「~おかげで」「~せいで」…

Từ ngữ kết nối (liên từ) diễn tả quan hệ nguyên nhân, lí do – kết quả

「~だから」「~そのため(に)」「~それで」「~したがって」「~ゆえに」…

Các biểu hiện kết câu

「~からだ」「~ためだ」「~わけだ」「~のだ」…

Các biểu hiện đối xứng, hô ứng đầu cuối

「なぜなら~からだ」「~ことから~ことになる・ようになる」

e – Câu hỏi về từ chỉ thị (thường có phần gạch chân)

Ví dụ:

「 」は何を指していますか。

Thông thường dạng câu hỏi này ít xuất hiện ở phần bài đọc ngắn, mà xuất hiện ở phần bài đọc trung, bài đọc dài. Tuy nhiên dù là bài đọc trung hay bài đọc dài cũng được cấu tạo từ các đoạn văn ngắn, do vậy ở đây sẽ học về phần từ chỉ thị để phục vụ cho các bài đọc sau này.

  • Bước 1: Đọc sơ toàn bộ văn bản, nắm ý chính và các keyword, đoán chủ đề bài viết.
  • Bước 2: Đọc câu hỏi, tìm đáp án từ văn bản.

+ Nhìn kĩ câu chứa từ chỉ thị, nắm chắc nội dung câu đó.

+ Nhìn các câu trước sau của câu đó (hoặc phần trước sau trong chính câu đó nếu câu dài được tách thành nhiều vế), tìm các từ mà từ chỉ thị đang biểu thị.

*Đặc biệt chú ý vào câu ngay trước, hoặc vế ngay trước câu chứa từ chỉ thị.

  • Bước 3: So sánh các phương án lựa chọn để chọn ra câu trả lời chính xác.

Cũng có thể thay các đáp án vào dưới phần gạch chân, thử xác nhận xem ý nghĩa của đoạn có được kết nối trơn tru không?

Thực tế ở các bài đọc trung (Mondai 11), bài đọc dài (Mondai 13) đều là tổ hợp từ các bài đọc ngắn, do vậy các câu hỏi cũng ở dạng tương tự. Bài đọc tổng hợp (Mondai 12) cũng là tổ hợp của các bài đọc ngắn, tuy nhiên yêu cầu kĩ năng tổng hợp, so sánh ý kiến nên câu hỏi hơi khác một chút.

Bí quyết làm bài thi phần đọc hiểu trình độ N3

III. Mondai 11

Gồm 3 đoạn văn trung, mỗi đoạn 3 câu hỏi (có năm đoạn văn số 3 chỉ có 2 câu), các dạng câu hỏi tương tự như đã trình bày ở mondai số 10.

Trong số các dạng bài đọc ở mondai này, thì các văn bản khoa học dễ tìm được đáp án nhất.

Theo quan điểm cá nhân của mình thì 2 đoạn đầu thường dễ đọc hơn đoạn số 3. Các câu hỏi chứa phần gạch chân cũng sẽ dễ tìm được đáp án hơn các câu hỏi khác.

IV. Mondai 12

Gồm 2 đoạn văn trình bày ý kiến của 2 người A và B, sau đó cần đọc để tìm ra điểm chung, hoặc so sánh điểm khác nhau, quan điểm của từng người để trả lời 2 câu hỏi.

Với dạng bài này các bạn có thể đọc đoạn viết bởi người A, sau đó xuống câu hỏi để loại trừ dần đáp án có được từ đoạn của người A, sau đó đọc tiếp đoạn của người B và chọn ra đáp án phù hợp. Trong các mondai trong phần đọc hiểu, đây cũng là mondai dễ kiếm điểm (nội dung bài đọc của bài này thường “dễ đọc” hơn các bài khác), vì vậy hãy tận dụng kiếm điểm tối đa.

V. Mondai 13

Gồm 1 đoạn văn dài với 3 câu hỏi, các dạng câu hỏi tương tự như đã trình bày ở mondai số 10, thường câu cuối cùng sẽ hỏi về nội dung tổng thể của bài nên hãy chú ý.

VI. Mondai 14

Gồm 1 đoạn thông tin với 2 câu hỏi, Với Mondai này nên đọc câu hỏi trước và xem kĩ dữ kiện đưa ra ở phần câu hỏi, sau đó dò tìm chúng ở phần bài đọc. Đây là dạng bài tập dễ của phần đọc hiểu, vì vậy hãy cố gắng đạt điểm tối đa.

VII. Các lỗi thường gặp và cách xử lý khi làm bài đọc hiểu N2

1. Phân bố thời gian làm bài không hợp lý

Nếu chỉ tập trung thời gian vào phần Kiến thức ngôn ngữ (chữ Hán – từ vựng – ngữ pháp) sẽ không đủ thời gian làm phần đọc hiểu. Như đã khuyến nghị ở chương I, trong tổng số 105 phút làm bài, hãy dành cho đọc hiểu từ 65-70 phút, thời gian còn lại cho Kiến thức ngôn ngữ.

Và tương tự, cũng không tập trung quá nhiều thời gian cho một bài đọc, một câu hỏi nào đó. Nếu thấy khó chọn đáp án, hãy chọn ngay đáp án bạn nghĩ đến đầu tiên để chuyển sang câu hỏi khác, bài đọc khác. Tốt nhất bạn nên đánh giá những dạng bài đọc mình làm tốt hơn để ưu tiên dành thời gian cho nó nhiều hơn.

Tips quan trọng khi làm bài thi đọc hiểu trình độ N1, N2, N3 trong kỳ thi JLPT

2. Đưa suy nghĩ của mình vào suy nghĩ của tác giả, hiểu sai do suy nghĩ từ lẽ thường tình.

Đề thi không hỏi ý kiến của các bạn, mà hỏi ý kiến, quan điểm, suy nghĩ của tác giả, vì vậy hãy thật chú ý và tập trung, tránh đặt suy nghĩ bản thân vào bài. Suy nghĩ của tác giả có thể khác với số đông, khác với lẽ thường chúng ta vẫn biết, tuy nhiên bài thi không đánh giá tính đúng sai của suy nghĩ đó, bài thi chỉ hỏi bạn có hiểu đúng suy nghĩ đó hay không.

Tuy nói vậy nhưng trong thực tế chúng ta rất dễ đưa suy nghĩ của bản thân vào khi làm bài, do vậy phương pháp duy nhất là hãy đọc thật nhiều, làm thật nhiều từ đó rút ra kinh nghiệm.

3. Luôn cố gắng “dịch” khi làm bài, mất thời gian “nhớ” lại từ, hoang mang khi gặp từ mới.

Chắc chắn muốn làm được bài thì cần phải hiểu bài nói gì, viết về điều gì. Muốn làm được điều đó, dù ít dù nhiều chúng ta vẫn cần phải đọc sơ bộ nội dung, và việc “dịch” cũng được thực hiện trong vô thức. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc cố gắng dịch sao cho hay, sao cho hoa mĩ khi làm bài thi đọc hiểu. Nếu vậy bạn sẽ mất rất nhiều thời gian vô nghĩa, vì bài thi chọn đáp án 1, 2, 3, 4 chứ không yêu cầu bạn viết ra tiếng mẹ đẻ những gì bạn hiểu. Nếu muốn dịch hay, hãy chuẩn bị thật kĩ ở giai đoạn học kiến thức đọc hiểu.

Khi gặp một từ nào đó không nhớ nghĩa hoặc không biết nghĩa, đừng cố gắng mất thời gian để nhớ ra nó, điều đó gần như không thể bởi vì nếu nhớ bạn đã nghĩ ngay ra nó đầu tiên rồi. Hãy thử đoán nghĩa thông qua Kanji, qua mạch văn, qua chú thích (đây cũng là phần quan trọng không nên bỏ qua). Bạn cũng nên nhớ là đôi khi chúng ta vẫn có thể làm được bài đọc dù không biết hết mọi từ xuất hiện trong đoạn văn.

Và một sự thật phũ phàng, nếu có từ không biết thì đó là do các bạn chưa học kĩ từ vựng (trừ đề thi đọc hiểu N1, từ mới trong các bài đọc khá nhiều). Vì nếu xuất hiện từ khó vượt cấp độ bài đọc, chúng sẽ được giải thích qua các chú thích.

4. Không chọn hết các đáp án

Nhiều bạn không kịp chạy đua với thời gian, để lại rất nhiều bài chưa kịp đọc, cũng chưa kịp chọn đáp án, kết quả là điểm thấp, thậm chí điểm liệt khi nhận kết quả. Dù bạn có làm bài như thế nào đi chăng nữa thì khi có hiệu lệnh còn 5 phút làm bài (hoặc xác nhận bằng đồng hồ mang theo, đồng hồ trong phòng thi) hãy khoanh tất cả các đáp án chưa chọn, bạn vẫn có thể may mắn nhận được một ít điểm cho những đáp án chọn đúng ngẫu nhiên.

Để được tư vấn sách luyện thi N1, N2, N3 phù hợp và mua sách với giá ưu đãi lên tới 35%, các bạn vui lòng inbox cho Mcbooks tại fanpage Mcbooks.

Mcbooks tự hào là nhà sản xuất sách học tiếng Nhật hàng đầu tại Việt Nam.

Mcbooks.vn

/* Remnove chat fb */
001-messenger